• :
  • :

Học chính lơ mơ - học thêm bơ phờ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm với mục tiêu tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau hai tuần áp dụng, những quy định của Thông tư 29 vẫn là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), giúp độc giả hiểu rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Là một người có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, ông có suy nghĩ như thế nào với vấn đề dạy thêm, học thêm?

PGS, TS Trần Thành Nam: Tại sao chúng ta lại duy trì một nền giáo dục phụ thuộc vào học thêm? Con giỏi hay không phụ thuộc hết vào học thêm. Đứa trẻ ngoài giờ học chính thì lại phải đi học thêm. Vòng lặp đi lặp lại hằng ngày khiến học sinh quá mệt mỏi rồi. Có những học sinh cấp tiểu học mà 11-12 giờ khuya mới được đi ngủ. Sáng hôm sau vào giờ học chính thì đầu óc trẻ còn lơ mơ, đến trường còn đang buồn ngủ. Giờ lên lớp cô dạy tâm huyết thế nào trẻ cũng vẫn không học được, bản thân thầy cô giáo khi nhìn thấy học trò như vậy cũng không kiên quyết vì nghĩ còn thời gian dạy thêm để bù đắp kiến thức cho học sinh. Cuối cùng vòng lặp đã biến luôn học chính thành học phụ, học phụ thành học chính. Học chính thì lơ mơ, học thêm thì bơ phờ mà không bao giờ chúng ta thoát ra khỏi vòng lặp đó. Như vậy thì tính sáng tạo, tính tự học càng ngày càng cùn mòn. Cứ như vậy về sau không có thầy ở bên cạnh, không có người định hướng thì con đường học hành sẽ bị dừng lại. Khi không liên tục cập nhật kiến thức mới thì con người dễ bị loại khỏi thị trường lao động vì lạc hậu.

 PGS, TS Trần Thành Nam.

Một nền giáo dục phụ thuộc vào việc học thêm thì thực sự nguy hiểm. Nó chứng tỏ việc học chính khóa chưa đạt được yêu cầu đề ra. Việc học sinh thành công, giỏi giang đều do nguồn lực khác của gia đình đầu tư vào hoặc do dạy thêm, học thêm. Trong khi giáo dục công cần phải là ngọn cờ soi đường cho nền giáo dục quốc dân. Giáo dục tư chỉ dành cho người có tiền và cũng không thể thay thế giáo dục công. Điều này còn tạo ra sự bất công vì giáo dục công ở những vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học thêm, dạy thêm.

PV: Nhiều người e ngại nếu không dạy thêm, học thêm thì khó đủ thời gian hoàn thành lượng kiến thức khổng lồ trong giai đoạn hiện nay? Ông nghĩ sao về điều này?

PGS, TS Trần Thành Nam: Thời đại ngày nay là thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức, năng lực của chúng ta càng về sau càng đuối, vì kiến thức học được ở phổ thông nói chung sẽ lỗi thời ngay và luôn vì dễ dàng bị AI thay thế. Bây giờ giáo viên phải dạy cho học trò phương pháp tự học và năng lực tự chủ. Năng lực tự học là năng lực đầu tiên được nêu ra trong các năng lực, phẩm chất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 

Học sinh Hà Nội với Ngày hội Văn hóa-thể thao ngành giáo dục Hà Nội tổ chức năm 2024. 

Ở góc độ nào đó, chính điều này cũng hướng dẫn luôn cả giáo viên phương pháp dạy. Với lượng thông tin đồ sộ liên tục được cập nhật, duy trì dạy theo hướng tiếp cận nội dung nên các thầy cô mới quá tải. Muốn dạy để học sinh phát triển năng lực, trước tiên phải giao việc cho học sinh tự làm. Bố mẹ cũng phải thấy rằng mình có trách nhiệm không bắt nhà trường thành nơi trông trẻ. Họ phải có trách nhiệm giao việc cho con để con tự quản thời gian của mình, tự học.

Thực ra, thay vì để cô luyện đề thì chỉ cần dạy cho trẻ kỹ năng số, kỹ năng AI và học sinh sẽ tự tìm được câu trả lời. Các ứng dụng AI bây giờ có thể giải được cả bài toán thi Olympic quốc tế. Trong khi trẻ dần lớn lên, AI cũng ngày càng phát triển thì làm sao học sinh chỉ dựa vào giáo viên mãi được. Ở đây, việc thực hiện bình dân học vụ số, bình dân học vụ AI mới là điều cần thiết.

Nhưng điều này thực hiện được khi đáp ứng đủ điều kiện là sự đồng bộ. Khi mà nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những bài thi trong đó học sinh cứ học ôn luyện với cô này thì đỗ mà với thầy kia thì trượt thì đề thi đó hoàn toàn không ổn. Bởi vì nó chứng tỏ học sinh chỉ cần học thuộc dạng bài là làm được thì việc học không bao giờ thay đổi được bản chất. Ngành giáo dục muốn giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm thì một là năng lực tự học phải nâng lên. Thứ hai nữa là việc đánh giá kỳ thi phải đổi mới.

Giai đoạn này là giai đoạn chuyển tiếp cần mỗi bên hy sinh một chút. Bố mẹ cần hy sinh một chút thời gian dành cho con. Giáo viên và nhà trường cần hy sinh một chút để học trò yên lòng. Các trường có thể nghiên cứu biến nhà trường thành một cộng đồng mở, ngoài giờ học, học sinh có thể đến chơi, hoạt động miễn phí dưới sự tổ chức của nhà trường.

PV: Như vậy dừng dạy thêm, học thêm bây giờ là đúng phải không, thưa PGS, TS?

PGS, TS Trần Thành Nam: Đúng vậy, chúng ta nhận thức được vấn đề này là đúng. Thế nhưng, khó tránh khỏi có những người lệ thuộc, đặc biệt là những người có quyền lợi từ dạy thêm, học thêm bị siết chặt lại mà kêu ca. Vấn đề là chúng ta phải xem hơn một triệu giáo viên thì có bao nhiêu giáo viên đi dạy thêm. Con số này ít thôi. Ngoài ra, còn có một bộ phận cha mẹ chưa đủ trách nhiệm. Thực ra, những ý kiến trái chiều này cũng không phải nghiêm trọng lắm. Nhưng việc truyền thông, báo chí đưa các luồng ý kiến cả phản đối và ủng hộ với số lượng tương đồng khiến nhiều người lầm tưởng vấn đề cấm dạy thêm, học thêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta phải nhìn nhận và thống kê chính xác hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LINH HƯƠNG (thực hiện)

Tags: học thêm
Lượt xem: 5
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...