• :
  • :

Hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện phát triển và đóng góp của nhà khoa học nữ

Thời gian qua, cán bộ khoa học nữ không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng và có những đóng góp nổi bật vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ vốn dĩ đã nhiều khó khăn và thách thức đối với nhà khoa học nói chung và càng khó khăn hơn đối với nhà khoa học nữ nói riêng. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp giúp phụ nữ phát huy năng lực trong nghiên cứu khoa học.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc phỏng đồng chí Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phóng viên (PV): Vai trò của phụ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ đã được chính sách, pháp luật của Nhà nước khẳng định như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Thị Hồng Lan: Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư ngày 20-1-2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, với nhiệm vụ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân”.

Tại Điều 15, Luật Bình Đẳng giới 2006 đã quy định: Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 3-3-2021 ban hành chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, trong Chương trình “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” được tổ chức năm 2015, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc đưa ra thông điệp “Thế giới cần đến khoa học, khoa học cần đến phụ nữ”.

Đồng chí Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

PV: Hiện nay ở Việt Nam cán bộ nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đang gặp những thách thức gì?

Đồng chí Trần Thị Hồng Lan: Hiện Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi, riêng biệt dành cho cán bộ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ, mà chỉ được hưởng chính sách chung đối với cán bộ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, những thách thức từ định kiến, nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ tác động trực tiếp đến cán bộ khoa học nữ. Quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm cũng là một yếu tố tác động tới quá trình nghiên cứu khoa học của phụ nữ, trong khi hoạt động nghiên cứu là công việc có thể gắn bó suốt đối với người làm khoa học.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ nữ nghiên cứu khoa học có thái độ làm việc thiếu tích cực (làm cốt cho xong việc). Việt Nam chưa có những dịch vụ thiết thực hỗ trợ gia đình dẫn đến những ràng buộc tình cảm và những âu lo về con cái là rào cản đáng kể mà không phải phụ nữ nào cũng vượt qua được. Có nhiều gia đình vẫn còn quan niệm công việc nội trợ, chăm sóc con cái là trách nhiệm chủ yếu của người phụ nữ dẫn đến xung đột vai trò giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Các nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang nghiên cứu công nghệ chỉnh sửa hệ gen CRISPR/Cas trong phòng thí nghiệm.

PV: Theo đồng chí, chúng ta cần những giải pháp gì để phát huy tối đa năng lực của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ?

Đồng chí Trần Thị Hồng Lan: Để phát huy tối đa năng lực của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ đầu tiên cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng. Trong đó, cần nâng cao nhận thức bình đẳng giới về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Phụ nữ cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong các hoạt động kinh tế-xã hội nói chung, hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng để có nhiều đóng góp cho xã hội. Nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và quản lý, bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội vì liên quan tới công tác quy hoạch, lựa chọn, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ.

Thứ hai, cần hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ. Cụ thể là thực hiện lồng ghép giới một cách thực chất và có hiệu quả trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách cho cán bộ khoa học, trong đó có cán bộ khoa học nữ.

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, bố trí, nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác, vinh danh, khen thưởng đối với cán bộ khoa học nữ để tạo điều kiện và hỗ trợ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học gắn với những đặc điểm tự nhiên, xã hội của phụ nữ. Cụ thể là điều chỉnh quy định gia tăng tuổi đối với nữ giới khi tuyển dụng, xem xét bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, kéo dài thời gian công tác là cần thiết để bù lại khoảng thời gian người phụ nữ phải dành ra để thực hiện thiên chức người mẹ.

Trong quản lý khoa học, có thể có các quy định tạo điều kiện cho các nhà khoa học nữ trong việc tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nguyên tắc lựa chọn một tỷ lệ nữ nhất định trong số những người đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để được giao nhiệm vụ.

Trong việc vinh danh, khen thưởng những người làm khoa học, cần có cơ cấu giải thưởng dành cho cán bộ khoa học nữ, vì phụ nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ để đạt được thành tựu thì cần nỗ lực, hy sinh nhiều hơn so với nam giới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LA DUY (thực hiện)