• :
  • :

Thế giới cần chung tay ngăn “đại dịch” béo phì

Các nhà vận động đang kêu gọi các nỗ lực hành động ở quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn tốc độ gia tăng số lượng người béo phì trong thời gian tới.

The Guardian dẫn một báo cáo cho hay, hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2035 nếu như ngay từ bây giờ, các chính phủ không hành động quyết liệt để ngăn chặn đại dịch thừa cân đang gia tăng.

Báo cáo cho biết, khoảng 2,6 tỷ người trên toàn cầu-tương đương 38% dân số thế giới-đã bị thừa cân hoặc béo phì. Nhưng theo xu hướng hiện tại, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 4 tỷ người (51% dân số thế giới) sau 12 năm nữa.

 Tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì (ảnh minh họa). Ảnh: Getty Images

Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 được coi là thừa cân, trong khi những người có chỉ số BMI từ 30 được coi là béo phì. Nhiều bằng chứng cho thấy, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim và các bệnh khác.

Béo phì ở trẻ em và thanh niên đang gia tăng nhanh hơn so với ở người lớn tuổi. Đến năm 2035, tỷ lệ béo phì dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2020, trong đó tỷ lệ này tăng 100% ở các bé trai dưới 18 tuổi, khiến 208 triệu người bị ảnh hưởng, nhưng thậm chí còn tăng mạnh hơn là 125% ở các bé gái cùng tuổi, tức là 175 triệu người bị ảnh hưởng.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới (WOF) Louise Baur, những phát hiện nghiêm trọng này là “một lời cảnh báo rõ ràng rằng nếu không giải quyết được bệnh béo phì ngày nay, chúng ta có nguy cơ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. WOF tin rằng các quốc gia cần thực hiện “hành động đầy tham vọng và phối hợp” như một phần của “phản ứng quốc tế mạnh mẽ” để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe đang gia tăng liên quan đến béo phì: “Các chính phủ và nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần làm tất cả những gì có thể để tránh chuyển các chi phí về sức khỏe, xã hội và kinh tế cho thế hệ trẻ”.

WOF là một liên minh gồm các nhóm chuyên gia y tế, khoa học, nghiên cứu và chiến dịch hợp tác chặt chẽ về vấn đề béo phì với nhiều cơ quan toàn cầu, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WOF kêu gọi các chính phủ sử dụng hệ thống thuế, hạn chế các hoạt động tiếp thị thực phẩm có nhiều chất béo, muối hoặc đường, tăng cường cung cấp thực phẩm lành mạnh trong trường học để giải quyết tình trạng béo phì đang ở mức báo động.

Ước tính, chi phí toàn cầu dành cho việc điều trị bệnh béo phì dự báo sẽ tăng vọt từ 1.960 tỷ USD vào năm 2019 lên 4.320 tỷ USD vào năm 2035, tương đương với 3% GDP toàn cầu, ngang với mức thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

MAI VŨ

Tags: béo phì
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết