• :
  • :

Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc

Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn và nhiều thách thức. Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao đòi hỏi nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; sẽ tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành.

Thực tế giáo dục cho thấy, mức độ thay đổi của giáo viên phụ thuộc rất lớn vào thái độ và sự thay đổi của người hiệu trưởng. Không phải bỗng nhiên người ta có câu “thủ trưởng nào phong trào đó”. Muốn trường học sẵn sàng tiếp cận cái mới và sớm có sự thay đổi thì người hiệu trưởng nhất định phải là “lãnh tụ về tinh thần” với tâm thế luôn hướng về giáo viên. Điều đó có nghĩa, hiệu trưởng hay người quản lý tốt lấy lối sống, đạo đức và phong cách sư phạm chuẩn mực của mình để không chỉ quản lý mà biết đồng hành, khơi gợi điểm mạnh, cảm hứng sáng tạo của từng người giáo viên, thậm chí đưa ra lời khuyên, trợ giúp hay cố vấn cho giáo viên như một điểm tựa vững chắc về tinh thần và chuyên môn.

Giáo viên hạnh phúc sẽ tạo ra những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc

Hướng về giáo viên còn biểu hiện ở việc hiệu trưởng tạo dựng môi trường làm việc dân chủ, cởi mở, thân thiện. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cấp trên và cấp dưới. Trong môi trường này, mọi người đều có quyền tham gia đóng góp ý kiến, được tôn trọng và lắng nghe.

Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường. Việc hiệu trưởng dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới sẽ không chỉ khiến cấp dưới cảm thấy được tôn trọng, mà còn tạo cảm hứng sẵn sàng đóng góp cho nhà trường. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, hiệu trưởng tự mình nhận dạy một số tiết hằng tuần để được hòa mình vào không khí dạy học thực sự. Như vậy, khi hiệu trưởng đặt mình vào hoàn cảnh của giáo viên, tương tác, cởi mở với giáo viên, họ dễ nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nội tâm của giáo viên. Sự lắng nghe, tương tác thường xuyên, thân mật và tự nhiên như vậy khiến bầu không khí trong trường trở nên thông thoáng, hạnh phúc, đem lại hiệu quả tích cực trong việc học tập của học sinh.

Một điều rất quan trọng để người hiệu trưởng mang tới một môi trường làm việc hạnh phúc chính là sự công bằng, khách quan trong mọi công tác, từ việc phân công công việc, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Điều này sẽ giúp cấp dưới yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho nhà trường.

Trái lại, với người hiệu trưởng luôn đứng ở phía “trên”, chỉ làm vai trò hành chính trong giáo dục, sẽ khiến giáo viên giáo viên thu mình trước hiệu trưởng để giữ thế thủ, tự bảo vệ mình, không dám làm khác ý của cấp trên, làm triệt tiêu tư duy sáng tạo, đổi mới. Bởi vậy, muốn giáo viên sáng tạo, thử cái mới trong nghề thì hiệu trưởng khi đứng trước một ý tưởng mới, thay vì đánh giá sự đánh giá “cái đó thì có gì mới, có hiệu quả gì?” thì nên bắt đầu bằng “ý tưởng đó hay quá” để tiếp tục nhen nhóm ý tưởng trong cấp dưới.

Ở nơi mà cơ cấu quyền lực giữa hiệu trưởng và giáo viên càng mạnh thì sự liên kết, quan hệ chiều ngang giữa giáo viên với giáo viên càng suy yếu và lỏng lẻo. Vô hình trung giáo viên không còn được là chính mình, họ sẽ không còn tha thiết với công việc dạy học và giáo dục nữa. Ở những nhà trường đó không những không có sự thay đổi nào diễn ra mà trái lại môi trường học đường ngày một xấu đi, tình đồng nghiệp trở nên rời rạc, buồn chán, trường học chắc chắn sẽ không hạnh phúc.

Để tạo ra môi trường học tập sáng tạo, hiệu trưởng bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường dài hạn, ngắn hạn, phù hợp với thực tế của nhà trường và nhu cầu của xã hội phải luôn là “người lãnh đạo” đội ngũ ở vị trí dưới quyền của mình với phong cách làm việc cởi mở, khuyến khích sự hợp tác, chia sẻ. Giáo viên cần lấy tư duy về giờ học bằng con mắt của học sinh và hiệu trưởng cũng cần thay đổi tư duy về giờ học bằng con mắt của giáo viên. Thực hiện thật tốt những việc đó thì nhà giáo sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.

ĐẶNG TỰ ÂN

(Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam)

Tags: Nhà giáo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...