• :
  • :

Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững

Xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và là một trong các trụ cột phát triển bền vững…

Xứng tầm giáo dục Thủ đô

Là địa bàn có quy mô giáo dục lớn, đòi hỏi cao cùng nhiều thách thức tuy nhiên, vượt qua những áp lực đó, giáo dục Thủ đô đã phát triển cả về “lượng” và “chất”; khẳng định vị thế dẫn đầu của ngành Giáo dục cả nước, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được những kết quả toàn diện, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra.

Trong đó, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp; gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX); gần 80% trường đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Nhiều học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp; đặc biệt có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế (môn sinh học, hóa học), 1 học sinh đoạt giải Ba cuộc thi thiết kế đồ họa thế giới.

Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chung vui với thầy và trò Trường THCS Giảng Võ trong ngày khai giảng năm học mới

Chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội cũng được quan tâm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn TP đạt 99,81%.

Cơ sở vật chất trường học trên địa bàn được quan tâm chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư. Ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý được tăng cường áp dụng cho cả các trường ở nội thành và các huyện ngoại thành xa trung tâm. Hà Nội đã triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và 6 ở tất cả các quận huyện…

Nhận thức rõ mục tiêu giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, hoàn thiện kĩ năng sống, vì vậy, giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh đã được ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng triển khai với những nội dung “rất riêng” cho học sinh Thủ đô…

Những kết quả có được ngoài sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên, tinh thần hiếu học của học sinh Thủ đô còn nhờ sự quan tâm của Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền TP.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị ổng kết năm học 2023 - 2024 của Sở GD&ĐT Hà Nội

Một trong 3 trụ cột phát triển bền vững

Những năm gần đây, TP đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đã xác định: “Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội...”.

Ngày 16/11/2023, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, TP Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác này.

Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của TP triển khai, thực hiện cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước; đặc biệt là Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” thành các kế hoạch, chương trình công tác của TP... tạo cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn Thủ đô.

TP đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua cho Sở GD&ĐT Hà Nội

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: Ngành Giáo dục Thủ đô đặt ra nhiều tham vọng, trong đó lớn nhất là nâng tầm chất lượng để có thể so sánh với giáo dục của các Thủ đô trong khu vực và quốc tế. Hà Nội cũng đặt mục tiêu đào tạo thế hệ các công dân toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học.

Xuất phát từ đó, thời gian qua, Sở đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT toàn diện và tập trung xây dựng một số mô hình trường học hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Tập trung xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...”

Trên thực tế, TP đã sớm xác định GD&ĐT TP phải phát triển xứng tầm. Lãnh đạo TP luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể hóa tinh thần này, Hà Nội đã xác định GD&ĐT là một trong 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 (bên cạnh y tế và văn hóa), coi đây là 3 trụ cột để phát triển bền vững TP. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xác định là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước, tiến tới cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thành ủy Hà Nội cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế tồn tại của GD&ĐT; trên cơ sở đó, xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này.

Trong chủ trương quy hoạch Thủ đô, TP xác định sẽ lấy hạt nhân là khu trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. TP cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng GD&ĐT...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho rằng, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch lớn và Luật Thủ đô là cơ hội quý để chỉnh sửa, làm mới, tạo bước đột phá cho giáo dục Thủ đô phát triển đúng tầm, đúng vị thế trong giai đoạn tới.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 6
Tác giả: Hạnh Nguyên
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...