Góc nhìn giáo dục: Rèn luyện kỹ năng thiết thực
Cách đây hai tuần, vào sáng thứ hai, ngày 16-9 (trước rằm Trung thu một ngày), Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) tổ chức chào cờ đầu tuần.
Dưới cờ đỏ sao vàng, cô và trò nhà trường trang nghiêm, đồng thanh hát vang bài Quốc ca thể hiện niềm tự hào sâu sắc về tình yêu đất nước. Sau đó, nhà trường tổ chức đón “Mùa trăng yêu thương” năm 2024 cho học trò, nhưng không có các tiết mục ca múa nhạc, trống giong cờ mở rộn ràng như năm trước. Thay vào đó, các em được lắng nghe nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu; tham gia hoạt động trải nghiệm đan túi đựng quả thị, quả hồng-thức quà thân thuộc của trẻ trong mùa thu. Trước đó một tuần, cô và trò nhà trường đã quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả lũ lụt với số tiền 90 triệu đồng.
Một tiết chào cờ ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: facebook của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều |
Cũng trong tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường rèn luyện cho học sinh thực hiện quy tắc “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn); “4 luôn” (luôn thân thiện, luôn nhiệt tình giúp đỡ, luôn tôn trọng người khác, luôn sử dụng không gian mạng văn minh); “4 không” (không nói tục chửi bậy, không bạo lực học đường, không gian lận trong thi cử, không mang đồ ăn vào lớp học); “4 nhớ” (nhớ hoàn thành nhiệm vụ học tập, nhớ giữ bảng sạch và bàn ghế ngay ngắn, nhớ thu gom rác và bỏ vào thùng rác, nhớ tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi lớp).
Những việc làm nêu trên của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều không ngoài mục đích rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho học sinh. Trong đó, các quy tắc "4 xin", "4 luôn", "4 không", "4 nhớ" không chỉ được xác định là quy tắc giao tiếp văn hóa, ứng xử văn minh với bản thân, bạn bè, thầy cô, với cộng đồng, mạng xã hội và môi trường sinh thái mà còn định hướng thái độ, hành vi chuẩn mực, trung thực, trách nhiệm của mỗi học sinh trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện tại trường.
Từ nhiều năm nay, cùng với coi trọng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, nhiều trường tiểu học, THCS đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm, tăng cường bồi đắp, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Thực chất đây là sự kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, tạo điều kiện cho học sinh không chỉ tiếp cận, tiếp thu kiến thức văn hóa, khoa học mà còn giúp các em có những hiểu biết, kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, ứng xử, hành động phù hợp với môi trường học đường, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Theo các chuyên gia giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong những phương pháp, động lực, mục tiêu của giáo dục hiện đại. Từ đó, giúp học sinh có những kỹ năng, khả năng ứng xử, ứng phó với các tình huống, vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Nếu những giờ học tập kiến thức trong lớp sẽ khai mở trí tuệ, nâng cao trình độ hiểu biết khoa học cho học sinh thì những hoạt động trải nghiệm thực tế góp phần bồi đắp cho mỗi em tăng thêm sự gắn kết, niềm tin, tình yêu, sự sẻ chia, thấu cảm, bao dung, vốn là những giá trị nhân văn làm nên đạo đức con người. Kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách tốt đẹp và nguồn năng lượng tích cực cho học sinh.
Để học sinh phát triển toàn diện, ngoài nâng cao chất lượng dạy và học, việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là rất cần thiết trong xã hội hiện đại. Muốn thực hiện hiệu quả mục tiêu này, đòi hỏi các nhà trường phải vừa bám sát khung chương trình đào tạo chuẩn, vừa chủ động nghiên cứu, sáng tạo và triển khai các mô hình, hình thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng cho học sinh một cách thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi cơ sở giáo dục và đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương.
THIỆN VĂN