• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Bồi đắp văn hóa ứng xử cho nhân viên bảo vệ ở cơ sở giáo dục

“Này, đi đâu đấy?”, tiếng anh bảo vệ cao giọng khiến tôi giật mình.

Đang đứng ở cổng trường, chưa biết hỏi ai thì anh bảo vệ ở đâu chạy xộc tới và hỏi một loạt câu trống không kiểu “gặp ai”, “có hẹn không?”... khiến tôi khá sốc và tự hỏi liệu có nên xin cho con vào môi trường học tập mà ngay từ bước chân đầu tiên đã gặp một thái độ phản giáo dục như vậy.

Bảo vệ trường học thường được xem là những người đứng sau, ít được chú ý trong cơ cấu nhân sự của một ngôi trường. Tuy nhiên, vai trò của họ không chỉ bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì trật tự trong khuôn viên trường học mà còn góp phần xây dựng môi trường học đường văn hóa, thân thiện.

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Việc hơn 130 bảo vệ các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) vừa tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với người dân khi liên hệ công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn là bước đi đáng khích lệ của địa phương trong nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện. Thông qua chuyên đề tập huấn, đội ngũ nhân viên bảo vệ ở các trường học được trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhận diện và xử lý các tình huống phát sinh, qua đó thay đổi nhận thức của đội ngũ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đây không chỉ là một sáng kiến cần thiết mà còn phản ánh tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ học sinh trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Cùng với việc đào tạo về kiến thức, trường học còn là nơi rèn luyện lý tưởng, phẩm chất và nhân cách, góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, trung thực và sáng tạo. Nâng cao ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhằm phát triển năng lực và hoàn thiện lối sống văn hóa là rất quan trọng. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư quy định rõ về thái độ ứng xử chuẩn mực, trách nhiệm của nhân viên trường học, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đội ngũ này trong hệ sinh thái giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện của học sinh.

Để những ứng xử văn hóa thành lối sống, nếp suy nghĩ của từng cá nhân, các nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa, thể thao và ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong nhà trường. Ngoài ra, các tổ chức đoàn, hội, đội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường học đường văn minh.

Vị trí của một người ở đơn vị công tác không phải đánh giá qua mức lương người đó được hưởng mà quan trọng hơn là sự cống hiến của họ đối với nơi công tác, thể hiện qua số năm công tác, mức độ đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Thông qua việc nâng cao kỹ năng và nhận thức cho nhân viên bảo vệ, chúng ta không chỉ tạo ra một môi trường an toàn hơn cho học sinh mà còn khẳng định sự cống hiến và vai trò của mỗi cá nhân trong hệ thống giáo dục đều rất quan trọng.

THÁI AN

Tags: giáo dục