• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Ăn sáng cùng hiệu trưởng

Thời cắp sách đến trường của nhiều người, trải nghiệm thầy, cô hiệu trưởng mời lên phòng giám hiệu không phải là điều đáng tự hào, bởi "lời mời" này thường chỉ tới khi bị phê bình, trách phạt. Thế nhưng, vừa qua, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đã mời những học sinh có thành tích xuất sắc của nhà trường năm học 2023-2024 đến ăn sáng cùng cô như một sự động viên đối với quá trình nỗ lực của các em.

Ngược với những câu chuyện thường thấy, nhưng cách làm của cô nhận được nhiều ngợi khen bởi sự khích lệ kịp thời. Học sinh tham dự buổi gặp mặt này cảm nhận được sự quan tâm của cô giáo và nhà trường để cố gắng, phấn đấu nhiều hơn. Với những học sinh khác, đây cũng là lời nhắc nhở khéo léo để các em cùng phấn đấu.

Ngược lại, trò chuyện cùng học sinh, tạo cho các em cảm giác được tôn trọng là cơ hội để cô nắm bắt tâm tư, tình cảm, từ đó định hướng thẩm mỹ, nhận thức về cái đúng, cái hay, cái đẹp cho các em. Cô cũng có thể tìm được những lời giải cho công tác quản lý giáo dục của mình và nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Bữa sáng các học sinh Trường THCS Giảng Võ được hiệu trưởng mời gồm: Phở bò, phở gà hoặc mỳ Spaghetti sốt bò băm theo sở thích. Ảnh: vietnamnet.vn

Thực ra, cách làm này của Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ đã được một số hiệu trưởng, giáo viên áp dụng thành công. Thậm chí, có trường, hiệu trưởng còn có những cách tiếp cận học sinh theo nhiều hướng mở để thấu hiểu, đồng hành với các em như học sinh được cùng thầy cô chăm sóc cây, kết bạn bằng tài khoản mạng xã hội...

Những cách làm này của thầy cô cho thấy, giáo dục nói chung, thầy cô nói riêng đang dần thay đổi. Họ từ bỏ những khuôn mẫu định hình trước đây để tạo ra những hình dung mới về thầy cô năng động, nhiệt huyết. Giáo viên đã không thể như xưa mà đổi mới và lắng nghe. Đứng trước sự phản biện của học sinh, người thầy không rập khuôn, giáo điều, dùng quyền năng để áp đặt mà đã tìm cách xử lý tình huống một cách linh hoạt hơn trên cơ sở những thông tin có được từ quá trình tương tác với học sinh.

Nghe đơn giản là thế, nhưng cách làm này không dễ thực hiện. Quản lý giáo dục là một nghệ thuật, nhà quản lý giáo dục không thể bị động mà cần chủ động gần gũi, xóa bỏ khoảng cách với học sinh, coi học sinh là đối tác để nghe "tiếng lòng" của các em thì mới thực sự cải thiện được môi trường và hoạt động giáo dục. Muốn trở thành "người nghệ sĩ" trong quản lý giáo dục, thầy cô cần đủ tầm và sẵn sàng thay đổi.

HIỀN VINH

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...