• :
  • :

Đức thiếu hụt nhân viên chăm sóc trẻ em

Thiếu 125 nghìn nhân viên, Đức đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.

Giáo viên nhập cư giúp trẻ em Đức được học thêm ngôn ngữ mới.
Giáo viên nhập cư giúp trẻ em Đức được học thêm ngôn ngữ mới.

Điều này khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo áp lực lên nền kinh tế và các hộ gia đình.

Theo thống kê mới đây của Chính phủ Đức, nước này thiếu 125 nghìn nhân viên lành nghề tại các trung tâm chăm sóc trẻ em. Giải pháp của các trường mẫu giáo là tuyển dụng người lao động nhập cư có tay nghề, đặc biệt từ các quốc gia như Tây Ban Nha và các nước Mỹ Latinh.

Nhiều người lao động nước ngoài có trình độ chăm sóc trẻ em cao nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại quê nhà. Vì vậy, Đức chính là cơ hội lớn cho họ được làm việc trong ngành nghề chuyên dụng.

Tại thành phố Cologne, một trung tâm chăm sóc trẻ em đã áp dụng mô hình song ngữ, sử dụng cả tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Ý tưởng này được thực hiện bởi các giáo viên nhập cư nhằm giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ và tạo ra môi trường hòa nhập đa văn hóa. Phương pháp đào tạo “song ngữ” không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em mà còn giúp giáo viên nhập cư hòa nhập vào xã hội Đức.

Mô hình tuyển dụng người lao động nhập cư đang giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành chăm sóc trẻ em. Trước đây, các phụ huynh buộc phải đón con sớm hoặc cho con tham gia các lớp trông trẻ buổi tối. Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, một số trung tâm có thể phải đóng cửa cả ngày vì thiếu nhân viên khiến các phụ huynh chật vật tìm phương án thay thế.

Bên cạnh đó, khủng hoảng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đức. Vì trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa, phụ huynh buộc phải nghỉ làm ở nhà trông con.

Một nghiên cứu của cơ quan tuyển dụng Stepstone ước tính, cuộc khủng hoảng này gây thiệt hại khoảng 23 tỷ euro mỗi năm cho nền kinh tế, khiến hàng triệu giờ làm việc không được lấp đầy. Nhiều công ty cũng đã phải giảm giờ làm hoặc thậm chí sa thải nhân viên vì vấn đề này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ Đức cần chủ động đưa ra những giải pháp tối ưu và dài hạn hơn. Ông Wido Geis-Thöne, chuyên gia chính sách gia đình tại Viện Kinh tế Đức, cho biết: “Chúng ta cần có một hệ thống giáo dục chăm sóc trẻ em hiệu quả hơn với các chính sách dài hạn và đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo và cải thiện điều kiện làm việc cho các giáo viên”.

Cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em tại Đức đang đe dọa chất lượng giáo dục và phát triển của trẻ em cũng như gây tổn hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Các biện pháp như cải thiện điều kiện làm việc, mở rộng các điểm trông trẻ, và cung cấp đào tạo cho nhân viên chăm sóc trẻ em là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững và công bằng cho tất cả trẻ em tại Đức.

Bà Katja Ross - giáo viên mẫu giáo sống tại Rostock chia sẻ: “Mỗi đồng tiền đầu tư vào giáo dục trẻ nhỏ sẽ mang lại lợi nhuận gấp 3 - 4 lần trong tương lai dài hạn, vì nó giúp phát triển thế hệ trẻ có trình độ học vấn cao, từ đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế”.

Lượt xem: 16
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...