• :
  • :

Đào tạo nghề theo yêu cầu của thị trường lao động

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm qua (6-6), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung cùng cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta còn thiếu hụt, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới. Cuối buổi chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH về thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

  Còn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5-2-2021, thị trường lao động nước ta đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, đến quý I-2023, số người lao động (NLĐ) từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động ở nước ta khoảng 51,4 triệu người. Thị trường lao động của nước ta còn non trẻ, có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, lao động kỹ năng của nước ta còn thấp. Số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau đạt hơn 70%. Số lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 26%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta không phải là quá thấp, nhưng vẫn thấp hơn so với các nước phát triển. Vấn đề đáng quan tâm là cơ cấu thị trường lao động của nước ta không cân đối. Thực tế, các nhà đầu tư khi đến Việt Nam bao giờ cũng đặt ra 2 vấn đề: Hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số ngành nghề ưu tiên của nước ta vẫn còn thiếu hụt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của NLĐ. Thực tế có nhiều NLĐ không có bằng cấp, chứng chỉ, nhưng có tay nghề rất cao, có khi cả đời chỉ làm một nghề đó. Ví dụ, nhiều người ở Ý Yên (Nam Định) không có bằng cấp, chứng chỉ nhưng có tay nghề đúc đồng rất cao. “Chúng tôi cũng suy nghĩ vấn đề này, tại sao những người có trình độ chuyên môn như vậy mà không tổ chức công nhận cho người ta chứng chỉ, bằng cấp? Chúng tôi đã giao việc này cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để phối hợp đề xuất vấn đề này. Quan điểm của chúng tôi là cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn được công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên chất vấn ngày 6-6. Ảnh: TUẤN HUY

 Chênh lệch tỷ lệ lao động qua đào tạo ở thành thị và nông thôn còn lớn

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu quan điểm, vấn đề đáng lưu ý là tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ ở khu vực nông thôn chỉ đạt 17,5%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 41,5%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời về nguyên nhân của thực trạng này, giải pháp để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn cũng như việc tạo điều kiện để lực lượng lao động nông thôn có cơ hội tìm việc làm, nâng cao tay nghề.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định vấn đề đại biểu nêu ra phản ánh đúng thực tiễn, vì sau đại dịch Covid-19, khoảng 3 triệu lao động nông thôn đã di chuyển về các thành phố. Đa số những lao động này đã phải dừng công việc ở chỗ làm cũ, chuyển sang làm công việc ở nơi làm việc mới. Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã bàn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đổi mới cơ cấu, phương thức đào tạo nghề khu vực nông thôn với phương châm chỉ đào tạo khi dự báo được công việc, đào tạo khi bố trí được công việc có thu nhập cao hơn, tránh tình trạng gặp đâu đào tạo đấy, đào tạo không theo địa chỉ, không theo đơn đặt hàng. Bộ trưởng khẳng định, phương châm này đã được triển khai trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH và sẽ quan tâm hơn đến đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.

Sẽ sắp xếp lại các trường đào tạo nghề để tránh trùng lặp

 Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng còn bất hợp lý, chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo và hỏi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về giải pháp chấn chỉnh tình trạng này để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động cũng như nhu cầu nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc đào tạo nghề đang được thực hiện theo tinh thần các cơ sở đào tạo tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao thì theo đặt hàng của Nhà nước. Tình trạng chung của các trường là đào tạo theo kết quả tuyển sinh, chưa đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Năm 2023 sẽ tiến hành sắp xếp tất cả trường nghề ở các địa phương theo tinh thần Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để tránh tình trạng trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng sắp xếp lại 21 trường đào tạo nghề, còn 3 trường có tính chất nòng cốt, đào tạo chất lượng cao và đảm nhận toàn bộ công việc của 21 trường trước đây.

Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) khẳng định đồng tình với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng cho rằng việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở này tại các địa phương trong thời gian qua còn có nhiều khiên cưỡng, mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực, dẫn đến nhiều bất cập trong đào tạo và tuyển sinh, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, không chỉ riêng lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà ở các địa phương, lĩnh vực khác khi sắp xếp lại các trường đào tạo nghề cũng có một số trường hợp còn khiên cưỡng. Cụ thể, có trường hợp ngành y tế lại xếp chung trường với ngành công nghiệp, cơ khí hoặc văn hóa, nghệ thuật lại ghép chung với các ngành khác để đáp ứng tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại các địa phương. Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm cần bố trí phù hợp hơn với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt như y tế, văn hóa, nghệ thuật...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ sắp xếp đối với các trường có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, vừa qua, việc sắp xếp, giảm đầu mối các trường nghề đã xuất hiện một số bất cập. Việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương xem xét, rà soát để có giải pháp, quyết định phù hợp.

Dây chuyền sản xuất hiện đại đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29/Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: THÙY LÂM

Khắc phục tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do

 Là thành viên Chính phủ tiếp theo đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 6-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhận được nhiều câu hỏi về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có vấn đề đào tạo nghề cho đồng bào khu vực này. Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu vấn đề đào tạo nghề cho người có thu nhập thấp ở nhiều tỉnh chưa thực hiện được do vướng không xác định được thế nào là người có thu nhập thấp. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Hầu A Lềnh về giải pháp để giải quyết vướng mắc này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ, nội dung này được giao cho Bộ LĐ-TBXH chủ trì. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp cùng Bộ LĐ-TBXH xác định rõ tiêu chí xác định thế nào là người có thu nhập thấp. “Từ trước đến nay, các chính sách của chúng ta là đầu tư cho đối tượng thuộc diện người nghèo, hộ nghèo và thanh niên người DTTS. Trong dự án lần này có khái niệm người thu nhập thấp. Tới đây, khi sửa thông tư thì chúng tôi sẽ cụ thể hóa vấn đề này để hướng dẫn các địa phương thực hiện”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) quan tâm tới vấn đề người dân tộc Mông di cư tự do, dẫn tới khó khăn trong thực thi các chính sách về giáo dục-đào tạo. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đồng bào dân tộc Mông có tập quán cả gia đình, dòng họ cùng di cư đến nơi ở mới nếu nghe nói ở đó có điều kiện sống tốt hơn; hoặc do thiên tai, bão lũ khiến cuộc sống của đồng bào trở nên khó khăn hơn, đồng bào không an lòng nếu tiếp tục ở lại nơi ở cũ. Để hạn chế tình trạng này, chính quyền các cấp, các ngành có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đồng bào hiểu quy định của luật; kịp thời nắm bắt và giải quyết vướng mắc của các hộ gia đình, nhóm cộng đồng dân cư, dòng họ tại địa phương để đồng bào thấy an lòng.

Ngày 7-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh...

THÙY LÂM

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...