Đạo đức công vụ - thực hành và thực chất
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ, trong đó có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực đạo đức và giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo nghị định quy định cụ thể, chi tiết và lượng hóa các tiêu chí, dấu hiệu về đạo đức, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử của cán bộ khi tiếp xúc, giải quyết công việc với người dân tại nơi công sở.
Xin chưa bàn đến nội dung dự thảo vì đã có rất nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm chuẩn hóa và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, quy định về chuẩn mực đạo đức khi giao tiếp với nhân dân. Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp xác định là phần việc quan trọng; được tiến hành thường xuyên, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao... Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tinh thần phục vụ, văn hóa ứng xử, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở-những người gần dân, sát dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Ảnh minh họa: VOV. |
Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn không ít những "hạt sạn" khiến người dân không khỏi bức xúc, phiền lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính. Có cơ quan hành chính nhà nước khi ban hành quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở thì tổ chức phát động thi đua, hô hào quyết tâm thực hiện, nhưng rồi bỏ ngỏ theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột", "trên phát, dưới không động"... Có địa phương ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức giao tiếp với nhân dân thì tổ chức ký kết thi đua, in bảng biển lòe loẹt và treo ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy; nhưng khi triển khai thực hiện thì không ít cán bộ chưa thấu triệt; giữa quy định và thực hành vẫn lạc nhịp, kệch cỡm, thậm chí là tung hô một đằng, làm một nẻo. Lại có cán bộ suốt ngày rao giảng về đạo đức công vụ, nhưng chưa mực thước trong thực hành, lời nói không đi đôi với việc làm, thậm chí còn biểu hiện nhũng nhiễu quần chúng. Đặc biệt, vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa xác định thực hành đạo đức công vụ là trách nhiệm của bản thân; tình trạng thủ tục "hành là chính" diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc người dân phải “lót tay” cho cán bộ để “bôi trơn”, khiến cho tệ “tham nhũng vặt” ngày càng nhức nhối, chưa có thuốc đặc trị...
Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng dự thảo và tiến tới là ban hành, thực thi nghị định đồng bộ trong cả nước là yêu cầu cấp thiết, nhằm nâng cao toàn diện chất lượng cải cách hành chính. Người dân sẽ có thêm một kênh giám sát quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, thực hành đạo đức công vụ của những người phục vụ trong nền hành chính hiện đại.
Bộ Quy tắc đạo đức công vụ là biện pháp hành chính cần thiết để mỗi cán bộ, công chức, viên chức soi chiếu, để không ai vượt ra ngoài khuôn khổ, chuẩn mực cho phép. Quan trọng hơn, mỗi người phải xác định rõ vị trí của mình là công bộc của dân, nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân và tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Làm được điều đó, mỗi cán bộ phải luôn “gần dân, trọng dân, kính dân” như lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có như thế, việc thực hành đạo đức công vụ mới thực chất, chứ không chỉ là những lời rao giảng, tung hô sáo ngữ.
MINH MẠNH