• :
  • :

Pháp đối phó với làn sóng phản đối cải cách hưu trí

Cảnh sát Pháp đang nỗ lực trấn áp làn sóng biểu tình trên khắp đất nước sau khi Chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí.

Theo Reuters, ngày 18-3, cảnh sát Paris đã đụng độ với người biểu tình giữa lúc hàng nghìn người tuần hành khắp đất nước sau khi Chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí. Tại quảng trường Italie ở phía Nam Paris, cảnh sát chống bạo động buộc phải sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông biểu tình. Chính quyền thành phố đã cấm các cuộc biểu tình ở quảng trường Concorde và đại lộ Champ-Elysees gần đó. Có 81 người đã bị bắt giữ vào tối 18-3 và 61 người bị bắt trong các cuộc biểu tình vào đêm hôm trước. Đài truyền hình BFM cũng đưa tin về những cuộc biểu tình đang diễn ra ở các thành phố như Compiegne ở miền Bắc, Nantes ở miền Tây và Marseille ở miền Nam nước Pháp. Tại thành phố Bordeaux ở phía Tây Nam, cảnh sát cũng sử dụng hơi cay để chống lại những người biểu tình phóng hỏa.

Trên khắp nước Pháp, những cuộc đình công, biểu tình của các công đoàn đã khiến nhiều dịch vụ công cộng tê liệt, hoạt động đường sắt, bến cảng và các trường học đình trệ. Công nhân vệ sinh môi trường tổ chức đình công suốt 12 ngày qua để phản đối, khiến thủ đô Paris ngập trong hơn 10.000 tấn rác không được thu gom. Theo Reuters, khoảng 37% nhân viên vận hành tại các nhà máy lọc dầu và kho chứa của tập đoàn năng lượng TotalEnergies cũng bắt đầu đình công.

Rác thải không được thu gom ở đường phố Paris do đình công. Ảnh: Reuters 

Các cuộc biểu tình và đình công ngày càng gia tăng đã khiến chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ phong trào biểu tình “Áo vàng” cách đây 4 năm. Trước tình hình này, trả lời phỏng vấn Báo Le Parisien, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh: “Cải cách phải được thực hiện. Bạo lực không thể được dung thứ”.

Ngày 11-3 vừa qua, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách hưu trí và gửi lại Hạ viện để thông qua. Tuy nhiên, thay vì chờ đợi Hạ viện thông qua, ngày 16-3, Thủ tướng Elisabeth Borne thông báo Tổng thống Macron đã quyết định kích hoạt Điều 49.3 trong Hiến pháp để phê chuẩn dự luật. Theo đó, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng với nhiều cuộc biểu tình, đình công và cũng không nhận được nhiều ủng hộ tại Hạ viện.

Các công đoàn phản đối cải cách hưu trí vì cho rằng những quy định mới sẽ gây thiệt thòi cho người lao động chân tay thu nhập thấp. Họ thường bắt đầu tham gia thị trường lao động sớm. Theo luật mới, thời gian làm việc của họ sẽ dài hơn người có bằng đại học, đối tượng ít bị ảnh hưởng hơn.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu. Quy định nâng tuổi hưu sẽ tăng tỷ lệ việc làm trong độ tuổi 60-64. Ở Pháp, tỷ lệ làm việc trong độ tuổi này là 33%, trong khi ở Đức là 61% và Thụy Điển là 69%. Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, những thay đổi này sẽ giúp ngân sách lương hưu tăng thêm 17,7 tỷ euro (18,8 tỷ USD) mỗi năm tới năm 2030. Lương hưu của 30% người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ tăng 2,5-5%.

Việc tăng tuổi hưu khiến nhiều lao động phổ thông Pháp không hài lòng vì phải làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này là cần thiết. Theo DW, ông Philippe Crevel, nhà kinh tế học và người đứng đầu tổ chức tư vấn Cercle de l'Epargne có trụ sở tại Paris, nhấn mạnh: “Cải cách hưu trí là cần thiết vì chúng ta cần thu hút nhiều người hơn vào lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ làm việc của những người lớn tuổi ở Pháp tương đối thấp so với các quốc gia khác. Tăng tuổi hưu sẽ đẩy tỷ lệ này lên”.

LÂM ANH

Tags: hưu trí
Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết