• :
  • :

Đại tá quân đội nghỉ hưu trước tuổi 4 năm được nhận 2,4 tỉ đồng

Theo Thông tư số 19/2025/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, một Đại tá quân đội có thể được hỗ trợ hơn 2,4 tỉ đồng khi nghỉ hưu trước tuổi 4 năm.

Đại tá quân đội nghỉ hưu trước tuổi 4 năm được nhận 2,4 tỉ đồng

Theo Thông tư số 19/2025/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, một Đại tá quân đội có thể được hỗ trợ hơn 2,4 tỉ đồng khi nghỉ hưu trước tuổi 4 năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, Điều 6 Thông tư số 19/2025/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã nêu cách tính hưởng chính sách đối với trường hợp công tác tại các cơ quan, đơn vị chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Các trường hợp này gồm đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 2 Thông tư này đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy được hưởng chính sách, chế độ quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung một số điểm tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP; Trong đó có chế độ trợ cấp hưu trí 1 lần cho số tháng nghỉ sớm, trợ cấp cho số năm nghỉ sớm và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Chế độ với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến hạn tuổi theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư này được hướng dẫn thực hiện theo khoản 1 Điều 6 như sau:

Trợ cấp hưu trí 1 lần cho số tháng nghỉ sớm:

Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm thực hiện như sau:

Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc thực hiện như sau:

- Được hưởng lương hưu theo tỉ lệ % tương ứng với thời gian công tác có đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỉ lệ % hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước so với tuổi quy định.

- Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

- Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng BHXH bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Thông tư 19 của Bộ Quốc phòng nêu ví dụ cụ thể: Đồng chí Trần Văn Long (sinh tháng 5.1971, nhập ngũ tháng 2.1990), cấp bậc Đại tá, chức vụ Trợ lý công tác tại Cục A, Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

Theo quy định hiện hành, đến hết tháng 5.2029 đồng chí Long đủ 58 tuổi, hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm Đại tá. Tháng 3.2025, đơn vị đồng chí Long sáp nhập với đơn vị khác; đồng chí Long được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu trước hạn tuổi (không nghỉ chuẩn bị hưu), hưởng lương hưu từ ngày 1.6.2025 (đủ 54 tuổi).

Đồng chí Long thuộc trường hợp nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực; thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi là 4 năm (48 tháng) và có 35 năm 4 tháng công tác có đóng BHXH bắt buộc (được làm tròn 35,5 năm theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này).

Giả sử tiền lương hiện hưởng trước thời điểm nghỉ hưu (tháng 5.2025) của đồng chí Long là 30 triệu đồng thì:

Trợ cấp hưu trí 1 lần cho số tháng nghỉ sớm là: 30.000.000 đồng x 1,0 tháng x 48 tháng nghỉ hưu trước tuổi = 1.440.000.000 đồng;

Trợ cấp 1 lần đối với số năm nghỉ sớm là: 30.000.000 đồng x 5 tháng x 4 năm nghỉ hưu trước tuổi = 600.000.000 đồng.

Trợ cấp 1 lần cho số năm công tác có đóng BHXH bắt buộc là: 30.000.000 đồng X {5 tháng + (0,5 X 15,5 năm)} = 382.500.000 đồng.

Với trường hợp này, Bộ Quốc phòng cho hay tổng số tiền trợ cấp của đồng chí Long được hưởng là 2.422.500.000 đồng.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...