• :
  • :

Học phí ngành Logistics năm 2025

Nhiều trường đại học trên cả nước mở đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với các mức học phí khác nhau.

Học phí ngành Logistics năm 2025

Học phí ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được phụ huynh, học sinh quan tâm. Ảnh: Vân Trang

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với mức học phí được công bố chung cho các ngành ở năm học 2025 - 2026 trong khoảng 18 - 25 triệu đồng/năm.

Năm 2025, trường này giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét tuyển kết hợp.

Năm ngoái, với thang 30, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng của trường cao nhất với mức 28,18 điểm, theo sau là ngành Thương mại điện tử với 28,02 điểm. Với thang điểm 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 37,49 điểm ở ngành Truyền thông Marketing. Các ngành còn lại đều có điểm chuẩn từ 26,57 điểm (thang 30) và 34,06 điểm (thang 40) trở lên, trong đó ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm chuẩn là 27,89 điểm.

Trường Đại học Ngoại thương

Tại Trường Đại học Ngoại thương, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế, thuộc ngành Kinh doanh quốc tế. Chương trình đào tạo này có mức học phí 45 - 48 triệu đồng/năm theo như công bố năm ngoái.

Học phí Trường Đại học Ngoại thương năm học 2024 - 2025. Ảnh chụp màn hình

Học phí Trường Đại học Ngoại thương năm học 2024 - 2025. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Ngoại thương năm nay dự kiến tuyển sinh 4.150 sinh viên ở ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Năm 2024, điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT của trường từ 25,25 đến 28,5 điểm, cao nhất ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, chuyên ngành tiếng Trung thương mại ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).

Ngành Kinh doanh quốc tế của trường có mức điểm chuẩn là 28,1 và 28,2 điểm, lần lượt ở hai cơ sở Hà Nội và TPHCM.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng mở đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thuộc chương trình ELITECH, có chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngành này có học phí 64 triệu đồng/năm học, cao hơn mức đại trà của trường được công bố cho năm học 2024 - 2025.

Các ngành khác của trường có mức học phí trong khoảng 24 - 42 triệu đồng/năm học, tùy theo từng chương trình đào tạo.

Danh sách các ngành học chương trình chuẩn của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Danh sách các ngành học chương trình chuẩn của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Mức thu học phí các ngành học thuộc chương trình ELITECH của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Mức thu học phí các ngành học thuộc chương trình ELITECH của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 9.680 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển tài năng (20% chỉ tiêu); xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (40% chỉ tiêu) và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (40% chỉ tiêu).

Năm ngoái, điểm chuẩn cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội là 28,53 điểm ở ngành Khoa học máy tính. Theo sau là ngành Kỹ thuật máy tính; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, cùng lấy 28,22 điểm. Còn với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy, điểm chuẩn trong khoảng 50,29 - 83,82 điểm.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm chuẩn là 55,92 điểm và 26,06 điểm, tương ứng với 2 phương thức xét bằng điểm thi đánh giá tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Thương mại

Năm 2025, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với tổng 300 chỉ tiêu, chia đều cho chương trình chuẩn và chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.

Mức học phí của 2 chương trình này cũng khác nhau. Cụ thể, chương trình chuẩn của trường có mức thu trong khoảng 2,4 - 2,79 triệu đồng/tháng, tức từ 24 đến gần 30 triệu đồng/năm. Còn chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế có mức thu cao hơn là 3,85 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 38 triệu đồng/năm học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thương mại áp dụng 5 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; dùng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025; xét kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ với chứng chỉ quốc tế; xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp và giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Năm ngoái, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của trường là từ 25 đến 27 điểm, cao nhất ở ngành Marketing thương mại và Thương mại điện tử. Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn 26,9 điểm ở tất cả các tổ hợp.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...