• :
  • :

Chuyên ngành giàu sức hút đối với học viên hệ dân sự

Là một trong những khoa có bề dày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2025, Khoa Vô tuyến điện tử tiếp tục được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo hệ dân sự ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông.

Đại tá, TS Phạm Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử cho biết: “Khoa có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo hệ dân sự trước đây với 17 khóa, đào tạo gần 2.000 kỹ sư ngành kỹ thuật điện tử-viễn thông và 17 khóa văn bằng 2 với hơn 2.800 kỹ sư; đào tạo gần 800 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật điện tử.

Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã phát triển, trở thành cán bộ đầu ngành ở các công ty, doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đã cho phép Khoa đào tạo nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật viễn thông. Trong nhiều năm qua, Khoa trở thành địa chỉ uy tín cho nhiều thế hệ học viên dân sự đến học tập và nghiên cứu”.

 Sinh viên hệ dân sự tham gia Hội nghị tuổi trẻ sáng tạo khoa học tại Khoa Vô tuyến điện tử.

Tìm hiểu thực tế công tác đào tạo tại các bộ môn trong Khoa, chúng tôi được biết, những năm qua, Khoa tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường gắn kết nhà trường với đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các chương trình đào tạo, mở mới mã ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và bước đầu tổ chức chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao; tích cực biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo; mời các nhà khoa học, cán bộ ở một số đơn vị trong Quân đội tham gia giảng dạy một số nội dung thuộc các lĩnh vực do Khoa phụ trách.

 Học viên Khoa Vô tuyến điện tử trong giờ thực hành.

Song song với công tác đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, Khoa tập trung phát triển theo cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đưa nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên đối với cán bộ, giảng viên. Tại Bộ môn Ra-đa, Trung tá Nguyễn Ngọc Đông, Chủ nhiệm bộ môn dẫn tôi đi tham quan phòng trang bị sonar thủy âm của nhà trường-một trong những phòng thí nghiệm hiện đại của Bộ Quốc phòng. "Đây là những cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu, giảng dạy của cán bộ và học viên nhà trường, gắn lý thuyết sát với thực hành", đồng chí Đông cho biết.

Chỉ tính trong nhiệm kỳ 2020-2025, Khoa chủ động đề xuất, xây dựng đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, mở mới 13 đề tài cấp quốc gia, 6 đề tài cấp bộ (ngành), 65 đề tài cấp học viện. Mặt khác, Khoa chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, đồng thời tích cực hợp tác, khai thác tiềm năng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học uy tín nước ngoài...

Hiện nay, Khoa Vô tuyến điện tử có 75% cán bộ, giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên; 100% có trình độ thạc sĩ; phần lớn cán bộ, giảng viên trong Khoa được học tập, nghiên cứu tại các nước có nền kỹ thuật điện tử-viễn thông phát triển. Khoa có 3 phòng học chuyên dùng và 18 phòng thí nghiệm. Đặc biệt, Khoa đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, con người để sẵn sàng đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn, đây được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế số.

Đại tá, TS Tạ Chí Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử chia sẻ: “Khi học viên dân sự lựa chọn học tập ở Khoa, các em không chỉ được rèn luyện, nghiên cứu trong một môi trường có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, trách nhiệm mà còn được trải nghiệm trong môi trường Quân đội lành mạnh, nhân văn, từ đó hình thành thái độ học tập tích cực để lập thân, lập nghiệp trong tương lai”.

THÀNH AN

Tags: dân sự
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...