• :
  • :

Chuyện lương “cô nuôi” ở trường mầm non

Công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng thu nhập và các chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Đây là thực trạng mà nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non (cô nuôi) đang phải đối mặt và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm huyết cũng như trách nhiệm của họ với công việc.

Công việc vất vả, nặng nhọc

Cũng giống như đa số nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non, công việc hàng ngày của cô Nguyễn Châm - giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội thường bắt đầu từ 6h45 phút sáng, với vô vàn công việc bộn bề: Sơ chế thực phẩm, chế biến bữa chính cho trẻ, sấy bát, thìa, hấp khăn; chia bát, thìa từng lớp; chia ăn, nào chở cơm đi điểm trường lẻ; vận chuyển cơm canh lên từng lớp, hỗ trợ trẻ ăn trưa, thu dọn bát, thìa, xoong nồi rồi rửa bát…Kết thúc bữa chính, các cô lại tiếp tục chế biến bữa phụ cho trẻ với các công việc lặp lại như bữa chính, rồi vệ sinh đồ dùng nhà bếp, lau chùi khu vực bếp, thu gom rác. Cứ thế, các cô nuôi hầu như không có lúc nào ngơi tay, cho tới lúc kết thúc công việc là 16h30.

Chuyện lương “cô nuôi” ở trường mầm non
Công việc của các nhân viên cấp dưỡng luôn bận rộn, vất vả và nhiều áp lực.

Cô Nguyễn Châm chia sẻ, công việc bếp núc nghe qua tưởng chừng là việc vặt vãnh, đơn giản nhưng vô cùng vất vả. “Hàng ngày, nhân viên nuôi dưỡng làm việc ở bếp ăn với mức nhiệt rất cao, nhất là vào mùa hè cùng với thời tiết nắng nóng và do hệ thống bếp thổi hơi nóng quanh người làm cho chúng tôi lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi. Ngược lại, mùa đông, chúng tôi lại phải trực tiếp tiếp xúc với nước lạnh nên đôi tay thường xuyên lạnh cóng. Ngoài ra, môi trường nhà bếp nhiều tiếng ồn, việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất (nước rửa bát), hay thường xuyên phải khiêng, nhấc vật nặng như nồi canh, nồi thức ăn to… là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cô nuôi, tiềm ần nguy cơ gây ra các bệnh: ù tai, đau lưng… Thực tế, đã có cô nuôi bị mờ hết vân tay do nhiều năm làm việc tiếp xúc với nước rửa bát, có cô mất cả đốt ngón tay vì chiếc máy xay thịt hay bị bỏng. Ấy là chưa kể tới việc hầu hết các trường mầm non đều có điểm trường lẻ, nên hàng ngày chúng tôi đều phải vận chuyển cơm canh cho các con trong điều kiện bụi bặm, thậm chí mưa gió, nắng nôi và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”- cô Nguyễn Châm cho biết.

Thu nhập và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Không chỉ vất vả, nặng nhọc, những nhân viên nuôi dưỡng ở trường mầm non còn luôn bị áp lực với việc lo bữa ăn tươm tất, hợp vệ sinh.Tất cả các khâu: Từ kiểm tra đến sơ chế thực phẩm đều phải thực hiện một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Trong quá trình chế biến thức ăn, các nhân viên cấp dưỡng luôn phải nhắc nhau thực hiện đúng quy trình chế biến để món ăn giữ được chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo vệ sinh. “Nấu ăn cho các bé có những yêu cầu khắt khe hơn so với người lớn. Cá phải lọc xương thật kỹ, thịt phải xay thật nhuyễn, các loại củ quả phải cắt nhỏ hết thì các cháu mới ăn được. Quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm luôn phải ghi nhớ. Mặc dù luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, nhưng chúng tôi vẫn lo ngay ngáy vì những sơ sểnh có thể xảy ra mà mình không lường trước được. Bởi vậy, cứ phải sau mỗi bữa ăn ngon miệng, an toàn của các bé, chúng tôi mới được thở phào, áp lực tâm lý của nhân viên cấp dưỡng lớn lắm”- cô Châm nói.

Quần quật làm việc hàng chục giờ/ngày với những công việc vất vả và nhiều áp lực như vậy, nhưng đổi lại, cô Châm chỉ nhận được mức tiền lương 4.398.030 đồng/tháng. Theo cô Châm, đó là nhờ cô có thâm niên trong nghề đã 15 năm nên mới được vậy, còn những người mới làm thì lương còn thấp hơn nữa. “Hiện nay, được sự quan tâm của Nhà nước lương cơ sở đã tăng. Nhưng đối với nhân viên nuôi dưỡng chúng tôi thì tổng mức thu nhập vẫn rất thấp. Những người bậc 1 hệ số là 1,65 bằng 2.658.150đồng/1 tháng và với người bậc 7 đã công tác 15 năm có hệ số 2,73 bằng 4.398.030 đồng/1 tháng. Ngoài lương ra, nhân viên nuôi dưỡng không có chế độ phụ cấp gì từ nguồn ngân sách Nhà nước. Chúng tôi chỉ được nhận hỗ trợ từ nhà trường với mức từ 100.000 đồng - 300.000 đồng tùy điều kiện từng trường, với thu nhập ít ỏi đó không thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu hiện nay. Chúng tôi rất muốn cải thiện thu nhập nhưng thời gian làm việc ở trường kéo dài, lại mệt mỏi, về nhà còn việc nhà, con cái nên cũng rất khó khăn để kiếm việc làm thêm”- cô Nguyễn Châm ngậm ngùi bộc bạch.

Thực tế, mặc dù đời sống và thu nhập còn khó khăn song đa số các cô nuôi vẫn luôn nỗ lực, cố gắng, âm thầm làm việc, cống hiến hết mình, luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn lên hàng đầu, tạo ra những bữa ăn ngon đảm bảo dưỡng chất giúp trẻ khỏe để vui chơi, học tập, phát triển toàn diện. Thế nhưng cũng có không ít cô nuôi đã ngậm ngùi lựa chọn nghỉ việc, dù tâm huyết với trẻ vẫn còn nhiều.

Trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng trường mầm non Xanh - An toàn - Hạnh phúc, trong đó, công việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ luôn song hành. Thiết nghĩ, để động viên, giữ chân các cô nuôi gắn bó, tâm huyết với nghề, thì thu nhập và các chế độ đãi ngộ dành cho họ cần phải được quan tâm hơn nữa, giống như tâm sự của cô Châm và cũng là tâm sự của nhiều nhân viên nuôi dưỡng: “Chúng tôi luôn mong muốn mình sớm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp tới đời sống của đội ngũ nhân viên chúng tôi, cho chúng tôi được hưởng phụ cấp độc hại; được hưởng phần trăm thâm niên; được hưởng lương theo bằng cấp và được chuyển sang ngạch viên chức, từ nguồn ngân sách Nhà nước, để xứng đáng với những công sức, sự cống hiến của chúng tôi dành cho giáo dục Mầm non nói riêng và nền Giáo dục nước nhà nói chung”.

Phạm Diệp
Lượt xem: 5
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...