• :
  • :

Chung tay chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ

Là “ngôi nhà chung” chăm sóc học sinh tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở Hà Nội (cơ sở 1 ở phố Phó Đức Chính, cơ sở 2 ở Thạch Cầu), những năm qua, Trung tâm Phúc Tuệ đã góp phần thực hiện mục tiêu trẻ em khuyết tật về trí tuệ và thể chất được giáo dục đầy đủ, có thể hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm là sự đồng hành của phụ huynh, sự quan tâm của lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội và sự chung tay của các tình nguyện viên, các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm cùng chăm lo cho trẻ khuyết tật.

Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ Vũ Thị Minh Hương cho biết, hiện Trung tâm có các giáo viên dạy tự kỷ, giáo viên tâm lý, giáo viên tiểu học, giáo viên giáo dục đặc biệt, giáo viên dạy nghề. Ngoài ra, còn có các cộng tác viên dạy yoga, massage, dạy kỹ thuật thủ công, chưa kể các tình nguyện viên nước ngoài có chuyên môn dạy trẻ khuyết tật về ngôn ngữ, rối loạn hành vi, hoặc có các bác sĩ khám bệnh trị liệu. Thời gian qua, có hàng chục đợt tình nguyện viên trong nước đến Trung tâm Phúc Tuệ hỗ trợ công tác chăm sóc trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, điển hình là đoàn sinh viên FPT Education, Khoa Xã hội-Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Trường Đại học Y Hà Nội, các trường THPT: Việt Đức, Yên Hòa, Cao Bá Quát...

Ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, tổ chức quan tâm đến các em có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Phúc Tuệ. 

Về cơ sở vật chất, Trung tâm được trang bị phòng dạy can thiệp sớm, có lắp camera, trang bị hệ thống âm thanh âm nhạc, trang trí các tranh nghệ thuật có tác dụng truyền năng lượng tốt... Nhiều thiết bị của Trung tâm được mua sắm nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, tạo điều kiện hỗ trợ chăm sóc thường ngày cho trẻ mắc hội chứng Down, tự kỷ; giáo dục cơ bản cho các em nhỏ một số bộ môn như: Giáo dục thể chất, trị liệu tâm lý, yoga, vẽ, làm thơ... 

Đáng chú ý, cùng với việc làm tốt công tác chăm sóc trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, Trung tâm Phúc Tuệ cũng chú trọng công tác giáo dục và hướng nghiệp.

Về công tác giáo dục, với sự vào cuộc của các giáo viên, cán bộ, nhân viên Trung tâm và các tình nguyện viên, học sinh thuộc nhóm tự kỷ, rối loạn phát triển được dạy kỹ năng sống, khơi dậy các giác quan (chủ yếu phối hợp tay mắt), phát triển ngôn ngữ, phối hợp hoạt động toàn thân. Các học sinh còn lại được dạy văn hóa cơ bản như tập viết, tập chép, tập đọc, trả lời câu hỏi qua truyện tranh, tập đếm, làm toán từ lớp 1 đến lớp 3. Đặc biệt, một số tình nguyện viên nước ngoài cung cấp nhiều hiện vật sáng tạo, giúp học sinh dễ tiếp thu, hào hứng tham gia vừa chơi vừa học. Vào giờ nghỉ giải lao, các em vừa vận động vừa hát trên nền âm nhạc vui vẻ. Nhiều học sinh tự kỷ đã có tiến bộ về hành vi, ngôn ngữ, tiến bộ về kỹ năng sống và nhận biết. Một số trẻ thuộc diện khuyết tật trí tuệ, nay cũng bước đầu có tiến bộ về cả nhận thức và hoạt động.

Về công tác hướng nghiệp, Trung tâm có đa dạng các hoạt động và nâng cao kỹ thuật của từng hoạt động thông qua hướng dẫn làm các sản phẩm thủ công, bao gồm làm thiệp, hoa đất, móc chìa khóa, tận dụng vải vụn để may thành các vật dụng thông thường. Một số học sinh được hướng dẫn làm giá đỗ, rau mầm, chăm cây dược liệu..., góp phần giúp các em khéo tay hơn, phát triển trí tuệ, ý thức lao động và ý thức hợp tác với bạn bè.

Ghi nhận nỗ lực của thầy và trò Trung tâm Phúc Tuệ, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng đánh giá: “Nằm trong hệ thống các cơ sở chuyên biệt chăm sóc trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ ở Hà Nội, trên cơ sở tạo dựng hệ thống liên kết các bậc cha mẹ, người giám hộ, các chuyên gia, lực lượng công tác xã hội, hoạt động của Trung tâm Phúc Tuệ đã góp phần tăng cường kết nối, hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, thực hiện nhiều chương trình tư vấn, đào tạo cùng những dịch vụ trợ giúp các gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ, nhằm bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Tất cả góp phần thực hiện mục tiêu trẻ em khuyết tật về trí tuệ và thể chất được giáo dục đầy đủ, có thể hòa nhập cộng đồng xã hội”.

Bài và ảnh: THU MINH

Lượt xem: 5
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...