• :
  • :

Cho đi là còn mãi

Theo tính toán, mỗi năm, trên thế giới có hàng chục triệu người, Việt Nam có hàng chục nghìn người cần được ghép tạng để giành lại cơ hội sống. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được hiến tạng trên thế giới chỉ đạt khoảng 1,6%, ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều.

Thực tế, rất nhiều trường hợp người chết có thể hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể nhưng bị chôn vùi vào lòng đất, hoặc thiêu thành tro bụi, dẫn tới cơ hội sống của hàng chục nghìn người cũng bị chôn vùi theo... Cùng với đó, để cứu sống người thân, không ít người khỏe mạnh đã phải hiến một phần nội tạng của mình, sức khỏe bị giảm sút. Đó là sự lãng phí vô cùng lớn cơ hội được sống tiếp, sống khỏe của rất nhiều người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu phát động Chương trình ''Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Ảnh: TTXVN

Để nguồn tạng quý giá không bị chôn, thiêu cháy vô nghĩa, chúng ta cần đả thông tư tưởng cho cộng đồng, đồng thời tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng đủ thông thoáng cho hiến tạng và quy trình lấy tạng hiến.

Mới đây, phát biểu tại Lễ phát động Phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người-Cho đi là còn mãi", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái-Lan tỏa yêu thương-Thắp sáng niềm tin-Tiếp nối hy vọng-Gieo mầm sự sống". 

Để làm được như vậy, chúng ta cần thông qua việc tuyên truyền thường xuyên, mà chủ lực là các cơ quan báo chí, tác động mạnh mẽ, hiệu quả vào nhận thức của cộng đồng để loại bỏ những quan niệm lạc hậu. Bộ Y tế; Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam cần có phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nhất là phương pháp tác động trực tiếp bằng những hình ảnh, câu chuyện cụ thể thông qua các tuyên truyền viên, lồng ghép trong các đợt sinh hoạt cộng đồng ở mỗi địa phương. Đồng thời nên xây dựng, phát hành video, clip tuyên truyền trên không gian mạng và cung cấp cho đội ngũ tuyên truyền viên sử dụng thống nhất trong các cuộc tuyên truyền trực tiếp.

Nhiều chuyên gia, bác sĩ cho rằng quy trình thủ tục pháp lý lấy mô, tạng, bộ phận cơ thể người ở nước ta chưa thật sự thông thoáng. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định công dân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác. Việc lấy mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau khi chết chỉ cần có ý kiến đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ, vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên trong trường hợp người chết chưa có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể. Quy định này tương tự với quy định của nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, theo quy trình thực tế, muốn lấy mô, bộ phận cơ thể người đã chết vẫn bắt buộc phải có sự đồng ý từ người thân của họ, dù họ đã đăng ký và được cấp thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống. Quy trình như vậy là vi phạm quyền được hiến mô, bộ phận cơ thể người của công dân, cũng hoàn toàn không phù hợp với luật. Bộ Y tế cần nghiên cứu sửa đổi quy trình lấy mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với quy định của luật, thông lệ quốc tế. Có như vậy mới bảo đảm được nguồn mô, tạng, bộ phận cơ thể người đã chết não, thay vì vùi vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta dùng để cứu người. Như vậy, cho đi là còn mãi! 

CHIẾN THẮNG

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...