Chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2022
Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng; Bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ; Các điều kiện mà danh mục các khu công nghiệp phải đáp ứng; Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành TT&TT…là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022.
Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022
Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022
Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng); Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng). Mức tăng trên là so với quy định hiện hành tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Đồng thời, quy định mới bổ sung mức lương tối thiểu giờ theo vùng như sau: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ. Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP; Việc áp dụng địa bàn vùng còn được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, bổ sung quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu (BHTT) đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba như sau:
Số tiền BHTT đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất. Số tiền BHTT đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng: là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất; Đối với công trình có giá trị từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên: là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất; Các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, HĐBH trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày 01/07/2022.
Được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết HĐBH; Trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Đây là nội dung tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ quy định như sau:
Đối với công chức thuế: Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan: Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Các điều kiện mà danh mục các khu công nghiệp phải đáp ứng
Nội dung này dược quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Theo đó, nội dung phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp bao gồm: Mục tiêu, định hướng, tổ chức thực hiện và giải pháp về phát triển hệ thống khu công nghiệp trong kỳ quy hoạch; Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thể hiện phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trên bản đồ quy hoạch.
Nội dung Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Tên của khu công nghiệp; Quy mô diện tích và địa điểm dự kiến của khu công nghiệp.
Việc lập Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng các điều kiện như: Không phát triển khu công nghiệp mới tại khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trừ khu công nghiệp được đầu tư theo loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái; Không sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, rừng phòng hộ biên giới);
Khu công nghiệp phải có khả năng kết nối đồng bộ với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và có khả năng thu hút nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực để phát triển khu công nghiệp; Có quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp;
Đáp ứng quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng đất lấn biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên; Phù hợp với phương hướng xây dựng khu công nghiệp.
Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành TT&TT có hiệu lực từ 01/7/2022
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G ban hành theo Thông tư 07/2021/TT-BTTTT ngày 31/08/2021; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị ra đa hoạt động trong dải tần 76 GHz đến 77 GHz dùng cho phương tiện vận tải mặt đất ban hành theo Thông tư 09/2021/TT-BTTTT ngày 20/10/2021; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị vô tuyến cự ly ngắn dải tần 40GHz đến 246 GHz ban hành theo Thông tư 10/2021/TT-BTTTT ngày 28/10/2021;
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn điện cho thiết bị đầu cuối kết nối mạng viễn thông và công nghệ thông tin ban hành theo Thông tư 13/2021/TT-BTTTT ngày 29/10/2021; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ của mạng cáp phân phối tín hiệu truyền hình, âm thanh và các dịch vụ tương tác ban hành theo Thông tư 14/2021/TT-BTTTT ngày 29/10/2021; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G lai ghép - Phần truy nhập vô tuyến ban hành theo Thông tư 28/2021/TT-BTTTT ngày 31/12/2021.