Cân nhắc thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở
Cuối tháng 10 vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh của một trường THCS tại một địa phương phía Bắc bàng hoàng, đau đớn, xót xa khi nhận được tin, ngay sau khi kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 kết thúc, một thí sinh đã nhảy từ tầng cao của một tòa chung cư xuống đất để tìm đến cái chết. Áp lực thành tích là một trong những lý do chính dẫn tới hành động dại dột này...
Sự việc trên khiến không ít phụ huynh đang có con trong các đội tuyển học sinh giỏi, ngày đêm “đánh vật” với những đề toán, lý, hóa... còn khó hơn cả đánh đố, phải giật mình đặt câu hỏi: Việc thi học sinh giỏi ở cấp THCS liệu có “lợi bất cập hại”?
Mặc dù từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS dưới mọi hình thức, thế nhưng trên thực tế, ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cả nước đều tồn tại các trường THCS “điểm”, tuy không gọi là trường chuyên nhưng thực chất lại hoạt động như một trường chuyên, được đầu tư trọng điểm về giáo viên, cơ sở vật chất...
Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo quy định, học sinh học hết tiểu học không phải thi vào THCS, nhưng để có thể vào học ở những trường này, các em phải trải qua đợt “khảo sát chất lượng” - thực chất là một kỳ thi vô cùng áp lực. Tại nhiều trường “bình thường” cũng không khó để nhận thấy vẫn luôn tồn tại các lớp chọn, mặc dù nhà trường chưa bao giờ chính thức thừa nhận, công khai... Trường chuyên, lớp chọn vẫn tồn tại trá hình, cộng thêm “bệnh thành tích” diễn ra phổ biến khiến kỳ thi học sinh giỏi ở cấp THCS đang được nhiều địa phương tổ chức hết sức căng thẳng, tạo áp lực rất lớn đối với các em học sinh.
Mục tiêu của kỳ thi học sinh giỏi chủ yếu là để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở từng lĩnh vực, trong khi Điều 29, Luật Giáo dục 2019 quy định mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm “bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp”.
Như vậy, việc thi học sinh giỏi, nhất là thi kiểu “gà nòi”, chạy theo thành tích như hiện nay hoàn toàn không phù hợp với bậc THCS. Ở bậc học này, các em cần kiến thức phổ thông toàn diện để tạo nền tảng chứ không cần những kiến thức quá cao siêu, đánh đố, cũng chưa cần thiết để đặt vấn đề phát hiện, bồi dưỡng tài năng.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức thi học sinh giỏi ở bậc THCS là “lợi bất cập hại”. Cái “lợi” chỉ là một chút thành tích thoáng qua của cá nhân, nhà trường, địa phương nhưng mặt trái là sức ép khủng khiếp lên các em học sinh còn non nớt cả về thể trạng và tâm lý, để lại hậu quả lâu dài. Vì chạy theo áp lực thành tích của kỳ thi, các em cũng không còn đủ thời gian để học tập toàn diện, vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống... hướng tới mục tiêu phát triển đồng đều cả về thể chất và tinh thần. Từ đó, dễ dẫn tới những hậu quả xấu về sức khỏe tâm thần, thậm chí là những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra.
Nên hay không nên tiếp tục thi học sinh giỏi ở bậc THCS? Đây là vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có văn bản chính thức về vấn đề này. Đồng thời, hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải là người tránh xa “bệnh thành tích”, định hướng con em mình học tập, phát triển toàn diện, đừng đẩy các em vào vòng xoáy áp lực.
PHƯƠNG HIỀN