• :
  • :

Cần chính sách đãi ngộ thỏa đáng để văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đời sống của đại đa số văn nghệ sĩ còn nhiều khó khăn; chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với lực lượng này còn thiếu và gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam.

Chân thành lắng nghe, hỗ trợ thiết thực

Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết, văn nghệ sĩ cần những hỗ trợ nào để sáng tạo những tác phẩm giá trị?

Bà Trần Thị Thu Đông: Văn nghệ sĩ luôn có ý thức sáng tạo, đó là nhu cầu tự thân. Tình yêu và đam mê VHNT có thể được xây đắp từ truyền thống gia đình; đa phần xuất phát từ năng khiếu như sự nhạy cảm trong tâm hồn, năng lực cảm thụ, trí tưởng tượng phong phú, nhân sinh quan và thế giới quan độc đáo... Dù hoàn cảnh thế nào cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự dấn thân của văn nghệ sĩ. Trong chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng nhiều tác phẩm VHNT giá trị nối tiếp nhau ra đời.   

 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông

Tình cảm, sự quan tâm, động viên, khích lệ tinh thần rất quan trọng với văn nghệ sĩ. Nhiều đồng chí lãnh đạo khi nghe tin văn nghệ sĩ tại địa phương đoạt giải thưởng uy tín, lập tức gọi điện, nhắn tin chúc mừng và sau đó khen thưởng. Giá trị vật chất tuy không lớn nhưng anh chị em văn nghệ sĩ rất cảm động trước sự quan tâm, động viên kịp thời.

Văn nghệ sĩ cũng rất cần hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu, chuẩn bị sáng tác. Về cơ bản, các cơ quan quản lý, hội VHNT luôn nỗ lực kết nối với các ban, bộ, ngành, địa phương để văn nghệ sĩ có điều kiện thuận lợi tìm kiếm tư liệu, đi thực tế.

Vốn dĩ “cơm áo không đùa với khách thơ”, để văn nghệ sĩ tập trung tài năng sáng tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, bên cạnh định hướng sáng tác, còn cần đến những hỗ trợ thiết thực, nhất là về tài lực. Tùy theo đặc điểm mỗi môn nghệ thuật cần hỗ trợ nhiều hay ít. Nhà văn có khi chỉ cần hỗ trợ dự trại sáng tác để có “khoảng lặng” hoàn thành tác phẩm, được tạo điều kiện đi thực tế, được in sách.

Song có ngành nghệ thuật như điện ảnh thì cần hỗ trợ nhiều hơn vì kinh phí sản xuất lớn, liên quan đến nhiều yếu tố như phim trường, trang thiết bị, nhân lực... Với những bộ môn nghệ thuật hàn lâm (ballet, nhạc thính phòng) và nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương) sẽ khó khăn trong thu hút khán giả nên nghệ sĩ khó sống bằng nghề. Vì thế rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, thể hiện vai trò dẫn dắt, điều tiết của Nhà nước.

Vai trò người sáng tác và người biểu diễn cũng có những khác biệt. Ví dụ, trong âm nhạc, đa phần người sáng tác nhuận bút không cao bằng thù lao người biểu diễn, nên cũng cần hỗ trợ nhà soạn nhạc. Thêm vào đó, một số ngành nghệ thuật đặc thù như xiếc, tuổi nghề ngắn, lại phải đặc biệt quan tâm đến chế độ hưu trí, bố trí việc làm phù hợp sau khi nghệ sĩ nghỉ diễn.

PV: Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nào trong việc hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ, thưa bà?

Bà Trần Thị Thu Đông: Đảng ta đã xác định: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Đảng ta ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đồng thời Đảng ta cũng đưa ra quan điểm phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ.

Tổ chức Liên hiệp VHNT Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ, gồm các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, múa và văn nghệ dân gian), sinh hoạt trong 10 hội VHNT chuyên ngành Trung ương và 63 hội VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách phù hợp. Không phải bây giờ mà ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, văn nghệ sĩ đã được quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Bồi dưỡng, đào tạo, nhuận bút, tiền lương, chế độ hưu trí...

Những năm qua, một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành như: Nghị định số 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ về “việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước”, trong đó cho phép một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù được tuyển dụng các nghệ sĩ, diễn viên tuổi đời đủ 15 tuổi trở lên vào ngạch công chức, viên chức; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về “Chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản”; Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về “Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác”; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”... 

Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, ghi nhận để hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ. Trước kiến nghị của một số tổ chức, cá nhân, trong Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 6-6-2024 quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, bổ sung nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh vào đối tượng xét tặng danh hiệu. Điều này, góp phần công khai, minh bạch, công bằng đối với các giải thưởng, danh hiệu; công bằng giữa các chuyên ngành VHNT.

Sớm khắc phục bất cập

PV: Đâu là những vấn đề bất cập cần tháo gỡ mà giới văn nghệ sĩ phản ánh, thưa bà?

Bà Trần Thị Thu Đông: Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có 7 nội dung chính cần nhanh chóng tháo gỡ và có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Đó là: Hợp đồng lao động đối với diễn viên; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp; thăng hạng chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng, ưu đãi; phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động; tuổi nghỉ hưu, tuổi hưởng lương hưu của viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn). Ở các lĩnh vực khác, nhiều bất cập khác cũng tồn tại từ lâu song chưa được khắc phục, như: Đặt hàng tác phẩm, đào tạo (nhất là du học), xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, căn cứ để trao các giải thưởng...

Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thăm hỏi, chúc Tết nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Đinh Quang Thành, tháng 2-2024. Ảnh: QUANG HỒ 

Ngay trong năm nay, kinh phí chi trả cho giải thưởng của các hội VHNT đã có nhưng chưa được giải ngân vì cơ quan chức năng đặt vấn đề cơ sở nào để chi khi chưa có định mức. Hay như kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT chất lượng cao bị cắt giảm, dẫn đến việc các hội VHNT địa phương không có kinh phí tổ chức trại sáng tác, đi thực tế cho hội viên... Nguồn kinh phí này hằng năm thường giải ngân chậm, có khi phải dồn lại sang năm sau, dẫn đến tình trạng có năm thiếu kinh phí tổ chức, có năm thì lại phải tổ chức dồn dập để kịp giải ngân. Tóm lại, cơ chế, chính sách cho VHNT thiếu và chậm, chưa theo kịp với sự phát triển, đôi khi còn kìm hãm sự phát triển của VHNT, ảnh hưởng đến sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.

PV: Theo bà, đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo?

Bà Trần Thị Thu Đông: Sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là tình cảm trân trọng, quý mến văn nghệ sĩ chứ không thể hỗ trợ hoàn toàn mọi nhu cầu như mong muốn. Bởi mong muốn thì nhiều và không thể đòi hỏi cao hơn các lĩnh vực khác để bảo đảm công bằng. Do vậy, tôi cho rằng, bản thân các hội VHNT và từng cá nhân văn nghệ sĩ, trong điều kiện có thể, cần cố gắng quảng bá tiếp thị và thương mại hóa tác phẩm. Đồng thời nỗ lực vận động nguồn lực xã hội hóa tài trợ, dù không dễ dàng.

Vai trò lớn nhất của Nhà nước là xây dựng cơ chế, chính sách để kiến tạo. Đó là chính sách thông thoáng hơn để thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào VHNT, trực tiếp xây dựng thị trường văn hóa. Một khi thị trường mở rộng, cơ hội việc làm văn nghệ sĩ nhiều, đồng nghĩa thu nhập tăng lên. Văn nghệ sĩ cũng cần quan tâm đào tạo để nâng cao chuyên môn; thông thoáng trong quy định để làm nghề thuận lợi.

Bản chất Nhà nước không kinh doanh VHNT nên không thể nào hỗ trợ đầu tư trực tiếp, kiểu đầu tư làm phim để bán vé. Nhà nước cũng không làm nhiệm vụ trực tiếp xây dựng thị trường kiểu như tổ chức đấu giá sản phẩm VHNT. Những vấn đề này do nền kinh tế thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, Nhà nước cần duy trì và hoàn thiện hơn vấn đề đặt hàng, giao nhiệm vụ cho văn nghệ sĩ. Với những môn nghệ thuật không thể xã hội hóa, thương mại hóa, cần có chính sách bảo tồn và phát huy hợp lý.

Tháo gỡ vướng mắc về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ, có nhiều vấn đề nằm ngoài trách nhiệm, thẩm quyền của ngành văn hóa và các hội VHNT; cho nên sự phối hợp của các bộ, ngành khác là rất quan trọng. Nói chung các bên liên quan cần “đúng vai, thuộc bài”. Những vấn đề trong thẩm quyền đã được kết luận cần sớm triển khai thực hiện, những vấn đề ngoài thẩm quyền cần sớm báo cáo với cấp có thẩm quyền, kiên trì bám nắm để tháo gỡ bất cập. Có như vậy mới tránh tình trạng bên nào cũng có cái lý riêng nhưng mục đích chung lại không đạt được; còn văn nghệ sĩ tiếp tục mòn mỏi chờ đợi các chế độ đãi ngộ thành hiện thực.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...