• :
  • :

Cách phân biệt giữa viêm da dị ứng với viêm da tiếp xúc

Viêm da dị ứng và viêm da tiếp xúc đều là bệnh viêm da, nhưng khác biệt về nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Theo Tiến sĩ Rakesh Jangra, Bác sĩ da liễu và Bác sĩ phẫu thuật cấy tóc, Giám đốc Y khoa, Rakshaa Aesthetics, Pitampura, Delhi (Ấn Độ), viêm da dị ứng (AD) và viêm da tiếp xúc (CD) là hai tình trạng viêm da phổ biến, nhưng nguyên nhân và cách điều trị của chúng lại rất khác biệt. Mặc dù cả hai đều gây ra tình trạng da kích ứng, mẩn đỏ và ngứa ngáy, nhưng việc phân biệt giữa chúng lại rất quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm da dị ứng (AD) là bệnh viêm da mạn tính có tính di truyền, thường bắt đầu từ trẻ nhỏ, gây khô, ngứa và viêm. Nguyên nhân chủ yếu là do khiếm khuyết di truyền ở hàng rào bảo vệ da.

Viêm da tiếp xúc (CD) xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng như hóa chất hoặc kim loại. CD có thể tự khỏi khi tránh được tác nhân gây kích ứng. CD không phải là bệnh di truyền và không kéo dài suốt đời.

Triệu chứng điển hình

Viêm da dị ứng

Xuất hiện vết phát ban đỏ, ngứa, da khô, bong tróc hoặc đóng vảy.

Bệnh có tính chất tái phát, thường kéo dài và xuất hiện ở các vùng như mặt, cổ, khuỷu tay và đầu gối.

Người bệnh thường có tiền sử gia đình mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc eczema.

Viêm da tiếp xúc

Vùng da tiếp xúc với tác nhân sẽ bị đỏ, ngứa, có thể xuất hiện mụn nước hoặc vảy.

Phản ứng xảy ra trong vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Vùng bị ảnh hưởng chủ yếu là nơi tiếp xúc trực tiếp với chất gây ra phản ứng, chẳng hạn như tay, mặt hoặc vùng da tiếp xúc với hóa chất.

Quá trình phát triển bệnh

Viêm da dị ứng: Là bệnh mạn tính, có thể tái phát nhiều lần, đặc biệt vào các mùa thay đổi thời tiết hoặc khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Bệnh yêu cầu điều trị lâu dài và kiểm soát các triệu chứng.

Viêm da tiếp xúc: Phản ứng có thể tự khỏi khi tránh tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng. Nếu bệnh tái phát, cần xác định và tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Chẩn đoán và điều trị

Viêm da dị ứng: Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử gia đình có các bệnh dị ứng. Điều trị thường bao gồm thuốc kháng histamine, kem dưỡng ẩm và thuốc chống viêm.

Viêm da tiếp xúc: Cần xác định rõ tác nhân gây bệnh thông qua lịch sử tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc kích ứng và các xét nghiệm patch test. Điều trị bao gồm việc tránh xa tác nhân gây bệnh và sử dụng thuốc giảm viêm, thuốc kháng histamine.

Lượt xem: 13
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...