Bổ sung quy định cấm đe dọa, ép buộc mua bảo hiểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 16/6, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được biểu quyết thông qua với 94.18% đại biểu Quốc hội tán thành.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Theo đó, trên cơ sở 21 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 đại biểu tham gia tranh luận và 2 ý kiến bằng văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Về hợp đồng bảo hiểm, để tránh xung đột pháp luật, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm g khoản 1 Điều 25 theo hướng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định tại Điều 22 về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu.
Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.
Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.
Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.
Điều khoản chuyển tiếp của Luật này quy định: Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/ 2025.
Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này.
Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng. Kể từ ngày 1/1/2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Ngoài ra, việc xử lý số dư Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 97 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được thực hiện như sau: Toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản; Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.