Biểu tượng của triết lý giáo dục tiến bộ
Nằm bên dòng sông Cà Ty hiền hòa của thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Trường Dục Thanh như là chứng nhân lặng lẽ của lịch sử, nơi in dấu bước chân người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Ngôi trường cũng là biểu tượng của tầm nhìn giáo dục tiến bộ.
Được thành lập vào năm 1907, giữa bối cảnh phong trào Duy Tân dâng cao, ngôi trường là kết tinh của tinh thần canh tân giáo dục, do các sĩ phu yêu nước sáng lập nhằm khai mở tri thức và hun đúc tinh thần tự cường dân tộc.
Kinh phí xây dựng do doanh nhân Huỳnh Văn Đẩu cùng Liên Thành thương quán tài trợ, với mong muốn mọi học sinh đều được tiếp cận tri thức mà không bị rào cản học phí. Là một trong những trường tư thục hiếm hoi giảng dạy theo lối tân học, Dục Thanh kết hợp giữa Nho học và khoa học phương Tây, đề cao tư duy độc lập, tự do và sáng tạo.
Chính tại nơi này, năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những ngày tháng dạy học, truyền đạt không chỉ kiến thức mà còn cả lòng yêu nước cho học trò. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng giá trị mà Trường Dục Thanh vun đắp vẫn bền bỉ theo thời gian, đó là một mô hình giáo dục khai phóng, đề cao thực học và một không gian hài hòa với thiên nhiên, nơi tri thức và đạo đức được nuôi dưỡng để lan tỏa những ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ sau.
![]() |
Du khách tham quan di tích Trường Dục Thanh. |
Cúi mình bước qua chiếc cổng gỗ cổ của ngôi trường, ta cảm nhận được không gian thanh bình, nơi từng góc nhỏ vẫn lưu giữ hơi thở của một thời đã qua.
Đôi dãy nhà truyền thống mái ngói phủ rêu phong, chiếc giếng cổ trong vắt, những hàng cây xanh tỏa bóng mát, tất cả tạo nên một tổng thể trong lành, hài hòa mà vững bền cùng năm tháng. Không gian nơi đây giản dị, mộc mạc, tận dụng tối đa ánh sáng và gió trời nên môi trường học tập thoáng đãng, nơi tư tưởng và tâm hồn được nuôi dưỡng trong sự giao hòa giữa con người và đất trời.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy không chỉ thể hiện một triết lý giáo dục tiến bộ mà còn đưa Trường Dục Thanh thành biểu tượng của một giá trị vững bền: Nơi tri thức, đạo đức và thiên nhiên cùng song hành, nâng đỡ những thế hệ học trò khát khao đổi mới.
Phòng học nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng đứng lớp vẫn được giữ gìn cẩn thận. Tham quan chiếc trường kỷ Người từng ngồi đọc sách, chiếc tủ nhỏ Người đựng tư trang, chiếc bảng gỗ đen bóng dấu thời gian, ta như có thể hình dung ra hình ảnh một người thầy mới tròn đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết, truyền dạy từng con chữ, từng bài học Quốc văn và Hán văn cho học trò. Giữa lúc nền giáo dục còn mang nặng tư duy bảo thủ, Trường Dục Thanh đã tiên phong đưa vào giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ và tư tưởng yêu nước, khơi dậy ý thức dân tộc trong mỗi học sinh.
Từ lớp học nhỏ bé với chỉ mươi lăm học sinh, biết bao ý tưởng khai phóng, biết bao khát vọng đổi thay đã được gieo mầm. Cũng chính từ môi trường giáo dục tiên tiến cùng sự kết nối với những chí sĩ yêu nước đã góp phần nuôi dưỡng khát vọng giải phóng dân tộc trong lòng người thầy giáo trẻ.
Ngày nay, Trường Dục Thanh đã trở thành điểm tham quan quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Đến thăm nơi này, ta không chỉ tìm lại dấu ấn một thời kỳ đầy biến động mà còn cảm nhận được giá trị bền vững của tri thức, lòng yêu nước và khát vọng khai sáng.
Bài và ảnh: MY CAO