• :
  • :

Bài 3: Cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện

Thực hiện chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, để phục vụ người dân, Hà Nội xác định bên cạnh yếu tố công nghệ, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân. Coi đó là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc trên ba trụ cột

Nghị quyết 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã xác định “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động” là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII xác định: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”.

Để đạt được mục tiêu này, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân; cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xứng tầm của Thành phố cho lĩnh vực này.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hướng dẫn người dân truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để nộp hồ sơ “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Ảnh: PHẠM LINH 

Kinh nghiệm thực tế triển khai công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy, nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của người đứng đầu thì mọi việc suôn sẻ, khó khăn, vướng mắc nhanh chóng được tháo gỡ, kết quả thu được rõ nét. Ngược lại, nơi nào người đứng đầu không quan tâm, chỉ đạo sát sao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu chủ động, chậm đổi mới, không thống nhất…, thì hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đề ra. 

Bởi vậy, Thành ủy Hà Nội xác định, chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Yêu cầu các các cấp ủy, người đứng đầu các cấp ủy đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.

 Không có chữ “ủy quyền” trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện trong cách thức vận hành, tổ chức của một cơ quan, một đơn vị, một tập thể hay một bộ máy là thay đổi cách làm, thay đổi mô hình hoạt động, nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chính bởi yêu cầu về sự thay đổi, công tác chuyển đổi số trước hết là việc của người lãnh đạo, người đứng đầu. Người đứng đầu không thay đổi, thì không ai dám thay đổi. 

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số thì phải chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số”.

Theo ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính), người đứng đầu và cấp ủy đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện thành công chuyển đổi số của Hà Nội. Người đứng đầu và cấp ủy đảm bảo sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả trong suốt quá trình chuyển đổi số, là một quá trình liên tục, lâu dài, không điểm dừng. Người đứng đầu và cấp ủy là cấp ra chính sách, ra thể chế, hình thành môi trường thân thiện với công nghệ và kinh tế số, bằng cách đưa ra các chính sách và quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số. Việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp số, doanh nghiệp kỳ lân cho Hà Nội, tạo thêm nhiều nguồn lực tài chính là chức năng của người đứng đầu và cấp ủy. Hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, đồng thời tạo ra cơ hội và sự thúc đẩy để họ có thể tăng cường hoạt động kinh doanh của mình thông qua công nghệ và kinh tế số.

 Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính).

Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, trách nhiệm và thời gian thực hiện; gắn vào việc đánh giá chất lượng công việc của cán bộ và từng quận, huyện, sở, ngành. Gắn trách nhiệm của các Giám đốc Sở, ngành để rà soát tại đơn vị để cải tiến quy trình nội bộ, thực hiện số hóa ngay từ quy trình nội bộ.

"Thành công trong chuyển đổi số không có chữ ủy quyền. Tất cả là nhờ quyết tâm của người đứng đầu", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Ngay từ năm 2021, khi ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm khi thực hiện chuyển đổi số.

Tuổi trẻ quận Long Biên hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PHẠM LINH 

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số là công tác quan trọng hàng đầu. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 545 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.396 thành viên thuộc 4 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh và Sóc Sơn.

Theo đó, mỗi quận, huyện, thị xã của Thành phố chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số làm cơ sở nhân rộng ở địa phương. Thành lập Tổ xung kích tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Nổi bật như phường Liễu Giai (quận Ba Đình) đã thành lập 2 tổ xung kích hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký tài khoản định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID. Từng thành viên trong Tổ giới thiệu và hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính qua trang mạng internet. Bắt đầu thực hiện từ tháng 1-2023, mỗi tuần 2-3 buổi vào khung giờ 14-16 giờ và 19 giờ 30-22 giờ tại nhà dân hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng, chung cư cao tầng, sảnh lễ tân cơ sở kinh doanh lưu trú…

Tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), các thành viên trong tổ cơ động đến từng nhà, tiếp cận từng người để hỗ trợ, tư vấn về ý nghĩa, tiện ích của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao hiểu biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay. Nhờ đó, hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại phường được nâng cao rõ rệt.

Thành viên của "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đến từng nhà hỗ trợ người dân. Ảnh: NGỌC HUY

Hay như mô hình “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Hoạt động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, điểm hỗ trợ được trang bị máy tính kết nối mạng, máy scan, bàn ghế ngồi cho công dân, bảng niêm yết danh mục thủ tục hành chính, lịch trực, thông tin số điện thoại của cán bộ hỗ trợ... Mọi vướng mắc về thủ tục hành chính của người dân đã được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, 24/24 giờ.

Lãnh đạo xã Đại Áng cho biết, mô hình này hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND xã, cán bộ thôn, sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của công chức chuyên môn tại địa phương. Tổ hỗ trợ này gồm 10 người, do đồng chí công chức Tư pháp-Hộ tịch là cán bộ Một cửa xã làm Tổ trưởng, tổ viên là các đoàn viên thanh niên, hội viên chi hội phụ nữ, công an viên. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường mạng, cổng dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính thông thường khác; hỗ trợ những người không có khả năng tiếp cận thủ tục hành chính được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trụ sở UBND xã. Đối với những trường hợp này, tổ hỗ trợ có thể đến tận nhà để hướng dẫn hoặc nhập giúp hồ sơ tại nhà.

Đồng thời, Tổ hỗ trợ còn đến tận nhà để hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng với hướng dẫn trực tiếp, công chức chuyên môn còn giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của công dân liên quan thủ tục hành chính qua gọi trực tuyến zalo nhóm hoặc trao đổi thông tin qua ứng dụng Ultra view. Hoạt động của “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” đã góp phần tạo môi trường hành chính gần gũi, thân thiện, thiết thực và hiệu quả, giảm áp lực công việc cho bộ phận một cửa của xã.

Chính quyền hỗ trợ, doanh nghiệp hưởng ứng

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn: Cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số. Thành phố cũng phấn đấu 100% doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử.

Bà Trần Thị Trang, đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu sẽ có cơ hội nhận được các gói hỗ trợ, như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ chuyển đổi số; triển khai Gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu (Go Digital - Go Global); kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội; thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số của thành phố...

Ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế. Ảnh: baochinhphu.vn  

Nhờ chính sách hỗ trợ của chính quyền, hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ của doanh nghiệp trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn. Đơn cử như việc kê khai thuế của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đến nay, việc khai thuế điện tử trên địa bàn Thành phố đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 61.917. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử đã có 99,16% tổ chức doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký thành công; 99,98% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên địa bàn Thành phố đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài

Với mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về Khoa học dữ liệu (Data science) và Trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho chuyển đổi số cũng được Thành phố quan tâm thúc đẩy.

Từ nhiều năm trước, Thành phố đã tiếp xúc, trao đổi với các Tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu của Israel, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Australia, Áo, Tổ chức Chính phủ điện tử Thế giới (WeGO),... về xây dựng chính phủ điện tử và các giải pháp công nghệ mới trong xây dựng thành phố thông minh liên quan đến các lĩnh vực như: Nông nghiệp, y tế, năng lượng, giao thông, ứng cứu khẩn cấp, quản lý đô thị,...; đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác đi đào tạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm các nước về xây dựng chính quyền đô thị và thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, Thành phố đã thành lập nhiều đoàn công tác tham gia các Hội nghị quốc tế về Mạng lưới các Thành phố thông minh ở ASEAN (ASCN), ASEAN-WeGO trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng thành phố thông minh. Thành phố đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Công nghệ Dell và triển khai hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, VNPT, FPT trong xây dựng chính quyền đô thị và thành phố thông minh.  

Hà Nội là thành viên của Tổ chức các thành phố thông minh thế giới (WeGO). Trong năm 2018, Thành phố đã phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Điện toán châu Á - châu Đại dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức các hội thảo quốc tế như: “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội 2018 với chủ đề “Xây dựng Thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Năm 1940, khi chuẩn bị rời Quế Lâm trở về Việt Nam đấu tranh cách mạng, nhiều đồng chí đã lo ngại lực lượng của ta còn quá yếu, không có vũ khí, về bây giờ làm sao có thể kháng chiến, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trả lời và để lại cho thế hệ sau một bài học quý báu: Vũ khí không phải vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy, chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ tìm ra vũ khí.

Xét cho cùng, chuyển đổi số là phục vụ người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Do vậy, chuyển đổi số mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng toàn dân. Khi toàn dân cùng tham gia, họ sẽ tìm ra công nghệ số phù hợp, sẽ tìm ra cách giải phù hợp và vì thế chuyển đổi số sẽ thành công.

(còn nữa)

NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

---------------------------------------------------------------------

Tags: Hà Nội
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết