• :
  • :

Bài 3: Chú trọng yếu tố con người, đề cao vai trò người đứng đầu

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định quan điểm cải cách hành chính của TP Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người - mấu chốt trong hệ thống đó. Ông cho rằng gốc, bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua cũng cho thấy, góp phần tích cực tạo nên những chuyển biến chính là những người trực tiếp vận hành bộ máy.

Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà

Chính thức được UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng và triển khai mạnh mẽ từ tháng 6-2022, đến nay, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến quốc gia, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), từ đó, nâng cao hiệu quả công tác CCHC của địa phương.

Mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” của phường Trúc Bạch đã giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến quốc gia. 

Bày tỏ niềm vui khi được cán bộ phường đến tận nhà hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, chị Trần Thùy Trang (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho biết: “Trước đây, khi cần làm những thủ tục giấy tờ, tôi cũng đều phải đến trụ sở phường, có khi phải chờ 2-3 ngày mới giải quyết xong, thì nay mọi thủ tục giấy tờ tôi muốn làm đều trở nên tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn”.

Sau khi nhận được thông tin gia đình nhà anh Nguyễn Văn Thành (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) có nhu cầu làm giấy khai sinh cho con, tổ cơ động đã đến tận nhà để hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Anh Thành chia sẻ: “Không phải đến trụ sở phường xếp hàng chờ đợi; đồng thời chỉ mất vài thao tác, vài phút là thủ tục tôi muốn làm đã xong xuôi. Thật là thuận tiện, nhanh chóng. Tôi mong muốn “Đội cơ động” sẽ được nhân rộng tại nhiều phường, nhiều địa phương để mang đến niềm vui cho người dân”.

Được biết, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” là “chiến dịch” nhằm cụ thể hóa “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” và đẩy mạnh tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến của phường Trúc Bạch.

Mỗi tuần, tổ cơ động sẽ có 3-4 buổi đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân để hỗ trợ, tư vấn cho người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia; giúp người dân tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa TTHC, tuyên truyền cho người dân hiểu và biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, qua quá trình đẩy mạnh triển khai, đến nay, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng rõ rệt. Hiện phường có 8 “Đội cơ động” bao gồm cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên được coi là lực lượng xung kích bởi có sức trẻ, nhanh nhạy, nắm vững công nghệ thông tin.

"3 giảm" vì dân

Nhắc đến các cán bộ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Ba Vì, gia đình chị Trần Thị Hồng, trú tại thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, rất cảm động về tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân. Cách đây không lâu, Tổ công tác của Công an huyện đã vận chuyển máy móc và các vận dụng cần thiết đến tận nhà để làm thủ tục cho cụ Nguyễn Thị Oanh (101 tuổi) - mẹ chồng chị.

Chị Hồng chia sẻ: "Đây chỉ là một trong rất nhiều việc làm thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ba Vì mà tôi và nhiều người dân khác được hưởng lợi".

  Công an huyện Ba Vì đến tận nhà làm căn cước cho người già yếu.

Thời gian qua, Công an huyện Ba Vì đã đẩy mạnh thực hiện CCHC mà trọng tâm là thực hiện cơ chế “một cửa” trong đăng ký cấp căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ… để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Công an huyện đã rà soát lại các quy trình để bổ sung, sửa đổi, loại bỏ những thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân theo hướng 3 giảm: Giảm thủ tục không cần thiết, giảm thời gian trả kết quả và giảm số lần đi lại của nhân dân.

Trong giai đoạn cao điểm thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc triển khai tổ công tác lưu động tại các xã, thị trấn, các trường THPT trên địa bàn đã rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục so với trước đây. Đặc biệt với nhiều trường hợp tuổi cao, gia đình chính sách, neo đơn đã được cán bộ tiếp dân trực tiếp đến nhà hướng dẫn, kê khai, làm các thủ tục cấp CCCD.

Cùng với đó, đơn vị còn tiến hành đổi mới và cải tiến các quy trình làm việc, trong đó tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp nhận hồ sơ, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa chặt chẽ về thủ tục, thông báo niêm yết công khai các thủ tục, biểu mẫu, quy trình, lệ phí và thời gian thực hiện… để nhân dân biết và thực hiện thuận lợi, nhanh chóng.

Cùng với sự kiên trì trong CCHC của thành phố, nhiều cán bộ, công chức đã không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong cải cách TTHC nhằm mang đến sự thuận lợi cho người dân. Ngay từ khi UBND TP Hà Nội triển khai phần mềm Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chị Nguyễn Đoàn Khánh Chi, công chức Tư pháp-Hộ tịch phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch hệ thống hóa các dữ liệu hộ tịch từ khi thành lập phường đến nay, bao gồm: Khai sinh, khai tử, kết hôn vào phần mềm của Bộ Tư pháp và “Một cửa” UBND TP Hà Nội, toàn bộ dữ liệu đều được chị tranh thủ làm vào giờ nghỉ, ngoài giờ hành chính.

Chị Chi cho biết: “Trước khi được hệ thống hóa vào phần mềm, dữ liệu công dân được lưu ở sổ sách của Bộ phận Một cửa của phường. Khi người dân đến trích lục, cán bộ Bộ phận Một cửa sẽ phải tìm lại từng cuốn sổ, nhập lên máy tính rồi mới in ra, vì thế sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi hệ thống dữ liệu lên phần mềm, việc tra cứu, lưu trữ hồ sơ để trả công dân có nhu cầu trích lục hồ sơ hộ tịch được rút ngắn từ 1 ngày làm việc xuống còn vài giờ. Thậm chí, chúng tôi có thể trả ngay cho công dân sau khi tiếp nhận hồ sơ”.

Chị Nguyễn Đoàn Khánh Chi, công chức Tư pháp-Hộ tịch phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội). 

Ngoài sáng kiến “Hệ thống hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm”, chị Chi còn cùng đồng nghiệp tích cực thực hiện mô hình “Nụ cười tiếp dân” và ‘Ngày không hẹn”; Gửi thư chúc mừng đến các hộ gia đình có trẻ mới sinh, những cặp vợ chồng đăng ký kết hôn tại phường… nhằm tạo nên sự hài lòng của công dân khi đến làm việc, thực hiện TTHC.

Tăng cường kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật kỷ cương

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, mặc dù công tác CCHC của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng xét một cách tổng thể vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số Bộ phận Một cửa lạc hậu, xuống cấp, chưa được chuẩn hóa, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và tiến độ số hóa. Một số lãnh đạo UBND cấp huyện, xã chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư trang thiết bị, tổ chức kiểm tra, giám sát Bộ phận Một cửa và các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PAR Index (chỉ số CCHC), SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) và PAPI (chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công) tại cơ sở. Đặc biệt, nhiều UBND cấp xã chưa có trang thông tin điện tử… Cùng với đó, công tác quán triệt về thông tin CCHC đến đội ngũ lãnh đạo các sở, ngành và cấp huyện; thông tin tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận thủ tục, dịch vụ hành chính công hiệu quả chưa cao.

Qua các cuộc kiểm tra của đoàn kiểm tra CCHC thành phố cho thấy, mặc dù hầu hết các đơn vị rất quan tâm công tác CCHC, song sự phối hợp trong giải quyết công việc, TTHC liên thông cùng cấp, theo ngành dọc chưa thực sự hiệu quả, nhất là thủ tục liên quan đất đai, lao động… Đồng thời, vẫn còn hồ sơ hành chính bị giải quyết chậm, muộn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo CCHC và chậm thực hiện nhiệm vụ CCHC được thành phố giao...

Cải cách hành chính luôn cần tinh thần cầu thị.

Để sớm khắc phục các hạn chế trên, TP Hà Nội đã đưa 17 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC. Trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu phải quan tâm đến công tác CCHC, gắn với công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, CCHC, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thành phố cũng yêu cầu định kỳ hằng tháng kiểm đếm tiến độ, kết quả thực hiện các đề án theo nghị quyết, chương trình, kết luận của Trung ương, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá xếp loại hằng tháng đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo quy định của Thành ủy.

Cùng với đó, các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã chủ động quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng kế hoạch với Ban Tuyên giáo cùng cấp, tổ chức triển khai các chuyên đề về thông tin tuyên truyền cải cách hành chính, nâng cao chất lượng vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử và tính hiệu quả, thực chất của dịch vụ công trực tuyến; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp… Từng nhiệm vụ, giải pháp đều được UBND TP Hà Nội phân định rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp thực hiện.

Tại Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, bao phủ trong năm 2023 là phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tất cả phải nhằm tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để việc này phải thực chất. Các cơ quan thực hiện phải quy trình hóa, cụ thể, rõ trách nhiệm để tránh đùn đẩy, né tránh; phải gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính cùng thái độ cầu thị, học hỏi, bằng những hành động cụ thể, thời gian tới Hà Nội sẽ có thêm những sự chuyển biến mới, cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS và PAPI... mở ra cho Hà Nội những cơ hội và thành tựu mới.

GIA LINH –HOÀNG LAN