• :
  • :

Xử lý nghiêm vi phạm, kiểm soát từ nguồn

Dịp cuối năm, lượng tiêu thụ thực phẩm trên thị trường TP Hồ Chí Minh tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả thương hiệu, nhãn mác, sản xuất không đạt tiêu chuẩn được tung ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan chức năng.

Giữa tháng 12-2022, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin lượng hàng hóa dự kiến phục vụ Tết Quý Mão 2023 khoảng 40.000 tấn. Trong đó có 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị. Các nguồn hàng này được phân phối qua các kênh: Chợ đầu mối, siêu thị, các chợ, kênh bán hàng online thương mại điện tử...

Lực lượng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. 

Thực phẩm không bảo đảm an toàn đang là nỗi lo chung của nhiều người. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Cụ thể, giữa tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 8 kiểm tra kho lạnh của một công ty chuyên cung cấp nông sản cho chợ đầu mối Bình Điền đã phát hiện gần 12 tấn rau củ không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Trong nhiều năm qua, vấn đề quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý ở TP Hồ Chí Minh. Với quy mô khoảng 10 triệu dân, lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường thành phố rất lớn. Trong 10 tháng năm 2022, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về ATTP, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh, phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết: "Công tác quản lý ATTP dịp cuối năm luôn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức vì số lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm vào, ra tại TP Hồ Chí Minh rất lớn. Hoạt động kiểm tra ATTP năm nay so với các năm trước được đổi mới, linh hoạt hơn, tập trung vào các nhóm lương thực có nguy cơ mất ATVSTP cao, như kiểm tra hệ thống kho tích trữ hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết; phối hợp giữa các cơ quan chức năng kiểm tra những kênh vận chuyển thực phẩm; kiểm tra các đơn vị cung ứng quà tặng, quà biếu có nguy cơ quá hạn sử dụng, hàng chế biến sẵn kém chất lượng như kẹo, lạp xưởng, các loại mứt, khô, xúc xích...".

Một điểm mới trong công tác kiểm soát ATVSTP được tăng cường triển khai từ đầu năm 2022 đến nay là Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Có 586 cơ sở tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận. Các chuỗi cung ứng này là một mô hình kiểm soát ATTP hiệu quả. Qua hoạt động này, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSTP, hỗ trợ xây dựng những quy chuẩn an toàn, đưa ra thị trường hàng hóa đạt chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người dân và uy tín của thương hiệu.

Bài, ảnh: NGUYỄN SƠN

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết