Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
Trước tình hình vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội nhận định: Công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai thường xuyên, liên tục không chỉ trong một đợt cao điểm.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có gần 73.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Do đó, công tác bảo đảm ATTP luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động ATTP được triển khai sớm ngay từ đầu năm, trong đó tập trung tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và triển khai các chuyên đề trọng tâm. Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Vũ Cao Cương thông tin, trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), thành phố đã thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về ATTP; kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 1.814; số cơ sở bị xử phạt hành chính là 1.679...
Thức ăn đường phố bày bán tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG |
Qua công tác kiểm tra, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại, hệ thống cống hở, ứ đọng, không ghi chép hoặc ghi không đúng số kiểm thực 3 bước; ghi nhãn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng; khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết quy định về ATTP; kinh doanh hàng hóa và sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Để bảo đảm ATTP trên địa bàn TP Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải công khai giấy chứng nhận/cam kết ATTP và địa chỉ cung cấp nguyên liệu. Cùng với việc tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn, cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản được đưa vào Hà Nội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời có nhân viên hướng dẫn người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.
THU TRANG