TP Hồ Chí Minh: Quyết liệt gỡ vướng cho nhà ở xã hội
Nhu cầu nhà ở xã hội ở TP Hồ Chí Minh lớn nhất cả nước, nhưng vì nhiều lý do, các dự án vẫn triển khai chậm, dòng vốn ưu đãi cho loại hình này đang bị tắc nghẽn ở nhiều phân khúc. Nhằm gỡ khó cho nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt triển khai các giải pháp, khai thác tối đa lợi thế của các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hoàn thành mục tiêu nhà ở xã hội.
Thiếu vốn, dự án chậm tiến độ
Thiếu hụt nguồn vốn được xem là khó khăn lớn nhất của các dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra tình trạng 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công trong năm 2022 bị chững lại chủ yếu là do thiếu vốn, doanh nghiệp không chủ động sắp xếp được. Nguồn vốn cho các dự án nhà ở xã hội rất lớn, nhưng khi triển khai chính sách ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh lại gặp nhiều vướng mắc, khó giải ngân. Hiện có 6 dự án có nhu cầu vay khoảng 2.776 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ có 1 dự án nhà ở cho công nhân thuê do Công ty Cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư, giải ngân được 585 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay còn 93 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 256,75ha, quy mô dự kiến khoảng 126.077 căn hộ với gần 8,7 triệu mét vuông sàn xây dựng, đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016-2020, nhưng chỉ hoàn thành được 19 dự án. Đồng chí Mai Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ là chủ đầu tư thiếu nguồn vốn. Nhiều dự án sau khi khởi công đã ngừng trệ vì chủ đầu tư không bố trí được vốn, không tiếp cận được vốn vay cho dự án theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn do vướng mắc thủ tục pháp lý. Cụ thể, các dự án phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí, xác nhận đối tượng mua, thuê mua...
Khu chung cư Tân Mỹ (quận 7) được hoàn thành, đưa vào sử dụng theo chương trình nhà ở xã hội của TP Hồ Chí Minh. |
Cùng với thực trạng khó giải ngân vốn vay cho dự án thì chính người mua nhà ở xã hội cũng khó tiếp cận được vốn vay do lãi suất cao, nguồn thu không bảo đảm trả lãi. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, người mua nhà ở xã hội còn e ngại vì vay vốn mua nhà thường có thời hạn 15-20 năm, nhưng chỉ được hỗ trợ lãi suất 5 năm đầu. Đối với vốn vay cho dự án cũng ở thời hạn hỗ trợ tương tự. Sau 5 năm ngân hàng giải ngân nguồn vay sẽ thả nổi lãi suất thì vượt khả năng trả lãi, gốc của người có thu nhập thấp. Để kích thích người mua nhà ở xã hội, cần kéo giãn thời gian hỗ trợ với mức lãi suất 3-4%/năm. Hơn nữa, nguồn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dù lớn, nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội, do đó về lâu dài cần xây dựng quỹ nhà ở xã hội để tạo lập được sự hỗ trợ dài hạn, bảo đảm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Khơi thông nguồn vốn, ưu đãi nhà đầu tư
Cùng với mục tiêu giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên, tập trung tháo gỡ những khó khăn về nhà ở xã hội thông qua các giải pháp: Phân loại các loại hình nhà ở xã hội và nhóm vướng mắc, giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo sở, ngành, địa phương, kết nối nguồn vốn ngân hàng, thực hiện quy chế phối hợp liên sở, ngành, địa phương... Các dự án nhà ở xã hội mới, quỹ đất được công khai mời gọi đầu tư, rút ngắn quy trình thủ tục, có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Các dự án đang triển khai cũng được các tổ công tác của UBND TP Hồ Chí Minh trực tiếp đối thoại, hỗ trợ gỡ vướng về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ khởi công, tái khởi động.
Tín hiệu đáng mừng là sau một thời gian quyết liệt triển khai các giải pháp, đến tháng 11-2023, TP Hồ Chí Minh đã có 9 dự án được tái khởi động và khởi công (trong đó có 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với tổng diện tích đất 17,5ha, 517.689m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn hộ. Đặc biệt, có 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công, gồm: Dự án khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), 242 căn; khu nhà ở xã hội dự án Tân Thuận Tây (quận 7), hơn 700 căn; dự án nhà ở xã hội thế hệ mới Dragon E-Home (TP Thủ Đức), 764 căn; dự án nhà ở xã hội phường Long Trường (TP Thủ Đức), 600 căn.
Nhằm cấp bách tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, giữa tháng 11-2023, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%/năm để phát triển nhà ở xã hội, thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ triển khai năm 2013). Trao đổi về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dù có lãi suất ưu đãi nhưng vẫn khó tiếp cận. Lãi suất khoảng 7,7%/năm với người mua, thuê mua nhà và 8,2%/năm với chủ đầu tư dự án là vẫn còn cao, chỉ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay thương mại thông thường. Vì thế, các bộ, ngành chức năng cần xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, bảo đảm tính ưu đãi vượt trội, chủ đầu tư và người mua hấp thụ được. TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi sẽ tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp và người mua tham gia, đặc biệt là các tập đoàn bất động sản lớn; đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội, giúp thị trường bất động sản phục hồi trở lại.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 2,5 triệu mét vuông sàn, cao gấp 2,3 lần giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho dự án, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND thành phố huy động các nguồn vốn triển khai dự án nhà ở xã hội, hỗ trợ chủ đầu tư và người mua, thuê mua. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiến hành rà soát quỹ đất, theo dõi, đốc thúc chủ đầu tư dự án thương mại phải triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Thành phố sẽ cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; theo dõi, nắm bắt, phân bổ nguồn tiền do chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội để phục vụ cho các chương trình, dự án nhà ở xã hội. |
Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH