• :
  • :

Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận điểm yếu chính trong kinh tế Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga xích lại gần nhau hơn trong việc giải quyết một vấn đề then chốt đối với doanh nghiệp và người dân: lạm phát.

Theo vị Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ lệ lạm phát hiện tại của Nga đang ở mức 8% so với cùng kỳ năm trước - một con số mà ông thừa nhận là "khá cao".

tong thong vladimir putin thua nhan diem yeu chinh trong kinh te nga hinh 1

Một đồng tiền xu của Nga. Ảnh: The Week US

Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư tổ chức ở Moscow vào thứ Tư, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Điều cần thiết là phải tránh mọi sự mất cân đối trong các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng và ngăn chặn sự mất cân bằng ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó việc kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ không thể bỏ qua".

Phối hợp hành động để ứng phó thách thức kinh tế

Ông Putin tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của "những nỗ lực phối hợp" giữa chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga để kiềm chế lạm phát, điều này lặp lại quan điểm mà ông đã đưa ra hồi tháng 8.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một khuyến nghị hay một đề xuất - đây là một chỉ dẫn hành động, như cách tôi nhìn nhận", ông nói, đồng thời khẳng định rằng hai cơ quan này đã bắt đầu phối hợp.

Mục tiêu lạm phát của Nga được đặt ở mức 4%, và ông Putin cho rằng quốc gia cần tăng cường nguồn cung hàng hóa và dịch vụ để kiểm soát giá cả. Trước đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine, tỷ lệ lạm phát của Nga – tương tự nhiều quốc gia khác – thấp hơn nhiều, chỉ đạt 3% vào tháng 12 năm 2019.

Áp lực từ lãi suất cao và chỉ trích từ giới doanh nghiệp

Phát biểu của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn ở Nga bày tỏ sự bất mãn khi phải gồng gánh nền kinh tế trong tình hình lãi suất tăng cao kỷ lục. Vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức 21% nhằm kiềm chế giá cả leo thang.

Tuy nhiên, điều này đã gây ra chỉ trích từ giới doanh nghiệp, các nhóm vận động hành lang và cả một số quan chức chính phủ, đặc biệt là về các chính sách của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina.

Ông Sergei Chemezov, CEO của tập đoàn quốc phòng Rostec, từng thẳng thắn chỉ trích rằng mức lãi suất cao đang "ăn mòn" lợi nhuận từ các đơn hàng của công ty. "Nếu chúng ta tiếp tục làm việc với mức lãi suất này, thì hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phá sản", ông Chemezov cảnh báo.

 

Một nhà quản lý ngân hàng hàng đầu của Nga cũng chia sẻ với Reuters rằng lãi suất cao có thể không mang lại hiệu quả lớn, đặc biệt trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng tăng cao và các lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn.

Lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân

Giá cả tăng cao đang khiến đời sống của người dân Nga trở nên đắt đỏ hơn. Những mặt hàng thiết yếu như bơ và khoai tây hiện nay có giá cao hơn đáng kể so với đầu năm, làm hao hụt đáng kể khoản tiết kiệm của người dân.

Theo báo cáo từ Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, lượng tiền mặt tiết kiệm của người dân hiện chỉ còn 15,9 nghìn tỷ ruble, tương đương 151,5 tỷ USD, mức thấp nhất từ trước tới nay. Con số này không bao gồm các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ, được ước tính khoảng 94 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương: Thách thức nhưng không suy thoái

Theo dự đoán của các nhà phân tích do Reuters khảo sát, Ngân hàng Trung ương Nga có thể tăng lãi suất chủ chốt lên mức 23% trong cuộc họp ngày 20/12. Tuy nhiên, bà Nabiullina cho biết điều này chưa được quyết định trước, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của ngân hàng có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

"Nhóm kinh tế học của Ngân hàng Trung ương nhận định rằng tiềm năng kinh tế đang trên đà tăng trưởng và sẽ tiếp tục cải thiện trong năm tới", bà Nabiullina phát biểu tại diễn đàn ở Moscow, theo hãng tin TASS.

Bà cho rằng đây là kết quả từ các khoản đầu tư quy mô lớn trong việc nâng cấp nền kinh tế trong ba năm qua. "Nếu tiềm năng tiếp tục tăng đều đặn, điều đó có nghĩa cũng sẽ có thêm không gian cho sự gia tăng nhu cầu", bà Nabiullina nói thêm.

Dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất gia tăng. Tuy nhiên, với những nỗ lực điều phối và chính sách kiên định, chính phủ Nga cùng Ngân hàng Trung ương kỳ vọng sẽ giữ vững ổn định kinh tế và đảm bảo đời sống người dân trước những áp lực lớn hiện nay.

Dũng Phan (Theo Business Insider)

Lượt xem: 2
Nguồn:www.congluan.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...