• :
  • :

Tòa Tối cao Mỹ chặn lệnh của Tổng thống về đóng băng viện trợ nước ngoài

Ngày 5-3, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đóng băng khoản viện trợ nước ngoài trị giá gần 2 tỷ USD.

Theo CNN, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ đồng ý duy trì phán quyết trước đó của Thẩm phán Tòa án liên bang ở thủ đô Washington Amir Ali, trong đó yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump nhanh chóng giải ngân cho các nhà thầu và bên nhận tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao không nói rõ thời điểm phải giải ngân số tiền viện trợ nước ngoài. Tòa án Tối cao lưu ý thời hạn giải ngân theo lệnh của Tòa án liên bang ở Washington vào tuần trước đã qua, nên các tòa án cấp dưới cần "làm rõ những nghĩa vụ mà chính phủ phải thực hiện để bảo đảm tuân thủ phán quyết".

Phán quyết của Tòa án Tối cao được thông qua với tỷ lệ khá sít sao do vấp phải phản đối gay gắt từ 4 thẩm phán. Thẩm phán Samuel Alito, một trong những người bỏ phiếu chống, cho rằng phán quyết này là “một bước đi sai lầm đáng tiếc”.

Lệnh đóng băng viện trợ được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, trong đó nhắm vào các chương trình mà ông cho là lãng phí và không phù hợp với chính sách đối ngoại của mình. USAID-cơ quan chính của Mỹ về cung cấp viện trợ nhân đạo nước ngoài-cũng bị Nhà Trắng cáo buộc đã làm lãng phí ngân sách trên diện rộng, mặc dù viện trợ nước ngoài chỉ chiếm 1% ngân sách liên bang.

Nhiều người cầm biểu ngữ ủng hộ USAID khi trụ sở của cơ quan này tại Washington bị đóng cửa ngày 3-2. Ảnh: Reuters 

Bên cạnh kế hoạch cắt giảm hơn 90% hợp đồng viện trợ nước ngoài do USAID quản lý và 60 tỷ USD tổng ngân sách viện trợ của Mỹ trên toàn cầu, chính quyền Mỹ cũng chủ trương rút gọn nhân sự tại USAID từ hơn 10.000 nhân viên trên toàn cầu xuống còn chưa tới 300 người. Hiện chính quyền của ông Donald Trump đang xem xét tái cơ cấu cơ quan này bằng cách sáp nhập vào Bộ Ngoại giao. Theo ông Donald Trump, kế hoạch này phù hợp với chính sách "nước Mỹ trước tiên" nhằm tinh gọn bộ máy và điều chỉnh chi tiêu. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng động thái này vi phạm luật liên bang và gây gián đoạn nguồn tài trợ cho các chương trình cứu trợ khẩn cấp trên thế giới.

Ngày 5-3, hàng trăm nhà ngoại giao nước này đã ký tên vào bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phản đối việc giải thể USAID, cho rằng điều này sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, tác động xấu đến quan hệ giữa Washington và các đồng minh quan trọng, tạo cơ hội để đối thủ mở rộng ảnh hưởng. Trong thư, các nhà ngoại giao cho biết lệnh đóng băng hầu hết viện trợ nước ngoài của chính quyền Tổng thống Donald Trump gây nguy hiểm cho các nhà ngoại giao và lực lượng Mỹ ở nước ngoài, đồng thời đe dọa tính mạng của hàng triệu người đang phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết đã có hơn 700 người ký vào bức thư. 

Trong năm tài chính 2023, Mỹ giải ngân 72 tỷ USD viện trợ trên toàn thế giới cho các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ ở các khu vực xung đột, tiếp cận nước sạch, điều trị HIV/AIDS, an ninh năng lượng và công tác chống tham nhũng... Sau khi đánh giá 6.200 khoản tài trợ trong nhiều năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ gần 5.800 khoản trong số đó, giảm hơn 90%. Theo Reuters, động thái này ảnh hưởng lớn đến các chương trình viện trợ y tế và cung cấp thực phẩm, khiến các nỗ lực cứu trợ nhân đạo toàn cầu rơi vào hỗn loạn.

Nguy hiểm hơn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5-3 cảnh báo việc sụt giảm nghiêm trọng đóng góp tài chính, nhất là từ Mỹ, đe dọa tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu kéo dài nhiều thập kỷ qua. Đóng góp tài chính của Mỹ là một phần quan trọng trong thành công này do Washington là nhà tài trợ lớn nhất cho Chương trình chống lao toàn cầu, chi khoảng 200-250 triệu USD/năm, chiếm gần 25% tổng tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, với việc Mỹ tuyên bố rút khỏi WHO, ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này, Chương trình chống lao toàn cầu sẽ chịu tác động lớn, khiến hàng triệu người đứng trước nguy cơ tử vong. Khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là châu Phi, Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương-những nơi mà chương trình phòng, chống bệnh lao dựa phần lớn vào trợ giúp quốc tế.

HÙNG HÀ

Tags: Mỹ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...