• :
  • :

Thương cảng Vân Đồn trong bảo vệ biên giới, biển, đảo của quốc gia Đại Việt

Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18, các nhà nước quân chủ Đại Việt đều chú trọng bảo vệ, bố trí các tướng lĩnh tài giỏi và lực lượng hùng mạnh phòng thủ thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Điều này cho thấy, Vân Đồn là một trong những thương cảng lớn của quốc gia Đại Việt, đóng vai trò trọng yếu trong các hoạt động chính trị, kinh tế và quân sự, quốc phòng.

Vùng biển, đảo tiền tiêu của đất nước

Ngay từ khi các quốc gia đầu tiên được hình thành trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, các nhà nước và cộng đồng cư dân trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước đã sớm chú ý và ngày càng quan tâm hơn đến lãnh hải quốc gia, tích cực khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo và phát huy vị thế của quốc gia ven biển. Đến thế kỷ thứ 9, con đường tơ lụa và con đường gốm sứ trên Biển Đông hình thành, đều đi qua thương cảng Vân Đồn. Cảng biển Vân Đồn trở thành một địa điểm ngoại thương quan trọng dưới các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng.

       Hình ảnh thương cảng xưa được tái hiện tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: HÀ GIANG 

Với sự phồn thịnh về thương mại và dân cư của thương cảng Vân Đồn ở vùng biển Đông Bắc đất nước, năm 1349, vương triều Trần đã nâng cấp vị thế đơn vị hành chính của Vân Đồn từ cấp trang (trang trại, tương đương làng xã) lên thành cấp trấn (tương đương cấp tỉnh, trực thuộc triều đình trung ương), đặt các chức Trấn quan (võ tướng chỉ huy), Lộ quan (quan văn cai trị) và Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển) để cai quản, đồng thời bố trí lực lượng phòng thủ và xây dựng hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Hơn thế nữa, Vân Đồn còn trở thành khu vực giới hạn hoạt động của các thuyền buôn nước ngoài ở vùng biển Đông Bắc. Có thể thấy, dưới thời Lý và thời Trần, trang Vân Đồn đã nổi lên, trở thành một trung tâm giao thương trọng yếu và một vùng biển, đảo tiền tiêu quan trọng của quốc gia Đại Việt.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia, nhà nước Đại Việt dưới các triều Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giao thương, đặc biệt là ngoại thương trên biển. Vùng biển, đảo Vân Đồn trở thành một trong số ít khu vực mà thuyền buôn nước ngoài được phép đến buôn bán. Các công trình nghiên cứu cho thấy, Vân Đồn chính là thương cảng mậu dịch đối ngoại lớn nhất thời đó.

Có thể thấy, trải qua tiến trình lịch sử, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18, cùng với sự trưởng thành của toàn dân tộc, ý thức chủ quyền và hoạt động khai thác biển, đảo của quốc gia-dân tộc Việt Nam đã có những bước tiến triển mạnh mẽ. Vân Đồn sớm trở thành một thương cảng lớn trong đời sống kinh tế-xã hội nói chung, đồng thời có vị trí và vai trò quan trọng trong bảo vệ biên giới, biển, đảo của quốc gia Đại Việt đương thời.

Chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục

Nằm ở vị trí quan trọng trên mạng lưới đường hàng hải ở Biển Đông, Vân Đồn sớm đóng vai trò trọng yếu trong các hoạt động chính trị, kinh tế và quân sự, quốc phòng của Đại Việt cũng như các hoạt động mang tầm khu vực. Sau thất bại trong hai cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt vào năm 1258 và 1285, đế chế Mông-Nguyên tiếp tục nuôi dã tâm mở rộng xâm lấn về phía Nam. Trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, vương triều Trần nhanh chóng huy động sức mạnh cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ ba (1287-1288). Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được cử đóng quân ở Vân Đồn, trấn giữ vùng biển Đông Bắc, ngăn chặn hướng tiến quân của thủy binh Nguyên. Trần Khánh Dư đã cùng quân và dân vùng biển, đảo Đông Bắc xây dựng Vân Đồn trở thành một căn cứ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ biên giới, biển, đảo của quốc gia Đại Việt.

Ngày 15 tháng 11 năm Đinh Hợi (1287), thủy binh Nguyên đã vượt biển tiến vào cửa biển Vạn Ninh (Móng Cái, Quảng Ninh). Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Trần Toàn bố trí quân mai phục ở núi Ngọc Sơn (mũi Ngọc, Móng Cái) trong vụng Đa Mỗ, định đánh úp vào phía sau quân Nguyên nhưng thất bại, buộc phải rút lui. Thủy quân Nguyên vượt qua vụng Đa Mỗ, tiếp tục tiến vào vùng biển An Bang (Quảng Yên, Quảng Ninh).

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn giao đặc trách phòng thủ vùng biển Đông Bắc trong thế trận kháng chiến của nhà Trần. Cuối tháng 11 năm Đinh Hợi (1287), khi thủy quân Nguyên tiến đến vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chỉ huy một lực lượng lớn thủy quân Đại Việt chặn đánh quân Nguyên nhưng không thành công, để quân Nguyên vượt biển theo đường ngược sông Bạch Đằng kéo vào Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương).

Được tin tướng Trần Khánh Dư đánh trận thất bại, Thượng hoàng Trần Thánh Tông trách tội, cử người đến Vân Đồn bắt giải về Kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Trần Khánh Dư “xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công” chuộc lại lỗi lầm vừa mắc. Được cho hoãn ít ngày, Trần Khánh Dư “liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau”, liền thu thập lực lượng, bố trí thế trận mai phục chờ sẵn. Ít ngày sau, vào đầu tháng 12 năm Đinh Hợi (1287), đoàn thuyền đồ sộ chở nặng lương thảo do Trương Văn Hổ chỉ huy chậm chạp tiến vào vùng biển Vân Đồn.

Khi đoàn thuyền lương của quân Nguyên tiến vào trận địa mai phục bày sẵn ở Vân Đồn, Trần Khánh Dư tung quân mạnh mẽ tập kích từ nhiều phía. Trước cơ hội lập công chuộc tội, quân tướng thủy binh nhà Trần hăng hái chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt địch. Đối ngược lại, đoàn thuyền lương của quân Nguyên vừa nặng nề, chậm chạp, không có lực lượng thiện chiến mạnh mẽ bảo vệ, lại bị thủy quân Nguyên bỏ rơi, càng chống cự càng bất lợi. Các đạo quân được lệnh đánh mạnh vào đội hình địch. Trương Văn Hổ chỉ huy đoàn thuyền Nguyên rút chạy, cố gắng tiến về phía đất liền. Trần Khánh Dư chỉ huy quân Trần đuổi sát theo. Đến vùng biển Lục Thủy (Cửa Lục, Hồng Gai, Quảng Ninh), thủy quân Đại Việt lại được tăng cường, bốn bề vây công, quyết tâm tiêu diệt đoàn thuyền lương của địch. Trương Văn Hổ liệu thế không thể đánh lại, thuyền lại chở nặng không thể đi nhanh, bèn đổ lương thảo xuống biển cho nhẹ thuyền để rút chạy ra biển, “khiến cho bao nhiêu lương thực chìm sạch”. Quân Trần quyết tâm truy kích, Trương Văn Hổ buộc phải bỏ lại cả đoàn thuyền, dùng một chiếc thuyền chạy nhẹ về Quỳnh Châu (đảo Hải Nam, Trung Quốc). Trần Khánh Dư “bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều”.

Trận đánh kết thúc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất vui mừng, tha tội thua trận trước đó cho Trần Khánh Dư. Bộ chỉ huy cuộc kháng chiến nhận định “chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được”, bèn cho áp giải tù binh đến doanh trại quân Nguyên để báo tin, đánh cho địch một đòn tâm lý mạnh.

Chiến thắng Vân Đồn-Cửa Lục đầu tháng 12 năm Đinh Hợi (1287) “có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân ta”, mang lại những chuyển biến có ý nghĩa chiến lược, tích cực góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc, bảo vệ toàn vẹn biên giới, biển, đảo của đất nước.

Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng

Tags: Vân Đồn