• :
  • :

Thông điệp đằng sau chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga V.Putin

Ngày 19-7 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt.

Đây cũng là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Putin kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2 vừa qua và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá dầu tăng cao.

Theo Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran, Tổng thống Putin tới Tehran để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm thảo luận về các vấn đề cấp bách mà khu vực phải đối mặt. Trọng tâm của hội nghị là cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Syria-nơi Iran và Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phe đối lập có vũ trang. Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành 4 chiến dịch ở miền Bắc Syria kể từ năm 2016.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Tehran ngày 19-7. Ảnh: AP 

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động quân sự để mở rộng “vùng an toàn” rộng 30km dọc khu vực biên giới với Syria. Trong cuộc gặp với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 19-7, lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei tuyên bố, một cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ gây mất ổn định khu vực. “Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào Syria sẽ gây tổn hại cho khu vực và có lợi cho những kẻ khủng bố”, ông Khamenei nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chuyến công du tới Iran, Tổng thống Putin cũng có cuộc hội đàm lần thứ 5 với Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, nhấn mạnh: “Cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo tối cao Khamenei rất quan trọng. Giữa hai nhà lãnh đạo đã phát triển một cuộc đối thoại tin cậy về những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế. Trong hầu hết các vấn đề, lập trường của chúng tôi gần nhau hoặc giống như nhau”. 

Giới quan sát cho rằng, qua chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine, Tổng thống Putin đang gửi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây rằng Nga sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ với Iran, kẻ thù của Mỹ kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Moscow coi việc phương Tây làm tê liệt nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử như là lời tuyên chiến về kinh tế, đồng thời cho biết Nga đang quay lưng lại với phương Tây để hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Iran. Trước thềm chuyến thăm Iran của Tổng thống Putin, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 18-7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định Iran là đối tác của Nga và Moscow coi trọng mối quan hệ song phương với Tehran. Ông Peskov cho biết, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã vượt con số 4 tỷ USD vào năm ngoái, và Moscow sẽ dần từ bỏ thông lệ sử dụng đồng USD trong hoạt động thương mại khi hai bên phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cũng theo ông Peskov, Nga và Iran có cơ hội để xây dựng hợp tác nhằm giảm tác động từ các lệnh trừng phạt.

Đối với Tehran, việc xây dựng quan hệ với Moscow là cách để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và liên minh của nước này ở vùng Vịnh. Hiện nay Iran cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và có những bất đồng với Mỹ xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran và một loạt các vấn đề khác. Bên cạnh đó, bị thúc đẩy bởi giá dầu tăng cao kể từ sau cuộc chiến Ukraine, Iran tin rằng với sự hỗ trợ của Nga, nước này có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Do đó, Tehran cho rằng, chuyến thăm Iran của nhà lãnh đạo Nga là đúng thời điểm.

Cũng đúng vào ngày Tổng thống Putin đến Tehran để hội đàm với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng trị giá 40 tỷ USD. Theo thỏa thuận, Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển các mỏ khí ở Kish và North Pars và 6 mỏ dầu. Gazprom cũng tham gia các dự án khí dầu mỏ hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống dẫn khí xuất khẩu cho Iran.

PHƯƠNG VŨ

Tags: qdnd