• :
  • :

Thái Nguyên: Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả

Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song năm 2021 Thái Nguyên vẫn đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tính tăng 6,51% so với năm 2020, cao hơn trung bình cả nước 2,58%.

Thái Nguyên: Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)

Cơ cấu kinh tế năm 2021 chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản. Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,8%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 95,1 triệu đồng (tương đương 4.121,8 USD/người/năm), bằng 97% kế hoạch, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; cao hơn bình quân chung cả nước.

Thu ngân sách năm 2021 đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, bằng 147% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 115% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 15.310 tỷ đồng, bằng 161% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 122% dự toán HĐND tỉnh giao. Tính đến 25/12/2021, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 866 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 11.259 tỷ đồng, trong đó có 10 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đăng ký 418,2 tỷ đồng; đăng ký thành lập mới cho 426 đơn vị trực thuộc; tiến hành thông báo và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc là 2.177 lượt hồ sơ doanh nghiệp…

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến hết ngày 25/12/2021, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 31 dự án (15 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 230,53 triệu USD, 1 dự án đang đề xuất đầu tư với số vốn tăng thêm là 920 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 170 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký và đề xuất đầu tư đăng ký đạt trên 9,67 tỷ USD.

Thái Nguyên: Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả
Thái Nguyên là một trong những địa phương cử đội ngũ y, bác sĩ đến Bắc Giang và các tỉnh, thành phía Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch (Ảnh: Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh Thái Nguyên động viên các nhân viên y tế lên đường vào Nam chống dịch trong những tháng cao điểm năm 2021)

Về chính sách đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm cho 2.202 người lao động và công dân của tỉnh Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về quê hương với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội cho 11.680 người, số tiền hỗ trợ gần 23,4 tỷ đồng; tổ chức đón thành công 247 công dân Thái Nguyên từ các tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trở về quê hương, hỗ trợ toàn bộ chi phí vé máy bay và chi phí cách ly cho công dân; hỗ trợ 3.107 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán với số tiền gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ, bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mức bồi dưỡng là 150.000 đồng/người/ngày.

Cũng trong năm 2021, Thái Nguyên đã cử một lượng lớn đội ngũ y bác sĩ đến tỉnh Bắc Giang và các địa phương phía Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong năm 2021, Thái Nguyên là một trong những địa phương dẫn đầu về thực hiện chuyển đổi số để tiến tới mô hình: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

L.H
Lượt xem: 269
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...