Quân sự thế giới hôm nay (1-3): Nga chính thức đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân New START
Quân sự thế giới hôm nay (1-3) có những thông tin quan trọng: Tổng thống Nga Vladimir Putin ký đạo luật chính thức đình chỉ Hiệp ước vũ khí hạt nhân New START; NATO đặt “ưu tiên hàng đầu” là kết nạp Phần Lan và Thụy Điển; Pháp giảm hiện diện quân sự tại châu Phi.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật chính thức chấm dứt hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng song phương đang gia tăng liên quan đến việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự đối với Ukraine.
Hiệp ước vũ khí hạt nhân New START được ký kết bởi Tổng thống Dmitry Medvedev và Barack Obama vào năm 2010. Ảnh: psr.org |
Hôm nay Tổng thống Putin đã ký chính thức đưa đạo luật vào thực hiện. Đạo luật này có hiệu quả ngay sau khi ký và cũng có điều khoản quy định Tổng thống là người quyết định việc Moscow có quay trở lại với New START hay không.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Moscow không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước và Bộ Ngoại giao cho biết Nga vẫn sẽ tôn trọng giới hạn vũ khí hạt nhân được Hiệp ước New START quy định và tiếp tục thông báo với Mỹ về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Hiệp ước New START, được ký kết bởi Tổng thống Dmitry Medvedev và Tổng thống Barack Obama vào năm 2010, giới hạn mỗi quốc gia triển khai không quá 1.550 đầu đạn, 700 tên lửa và máy bay ném bom hạt nhân. Hiệp ước quy định việc thanh sát trực tiếp để xác nhận mức độ tuân thủ của các bên tham gia. Từ năm 2020, hai bên đã ngừng hoạt động thanh sát do đại dịch Covid-19 và bây giờ thì Nga chính thức rút khỏi hiệp ước.
* Trước thềm chuyến thăm 4 nước châu Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ Pháp đang lên kết hoạch “cắt giảm đáng kể” sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Theo đó, thay vì duy trì hoạt động của tất cả các căn cứ quân sự trước đây của mình, Pháp sẽ tập trung nhiều hơn vào việc huấn luyện và đảm bảo trang bị cho các lực lượng ở châu Phi, đồng thời thành lập các học viện quân sự do quân đội Pháp và các nước châu Phi cùng quản lý. Ông Macron cũng khẳng định Pháp không rút hết quân mà vẫn duy trì khoảng 3.000 quân ở Tây Phi, chủ yếu ở Niger và Chad, mặc dù con số này đã giảm mạnh so với 5.100 quân cách đây 2 năm.
Pháp đang lên kết hoạch “cắt giảm đáng kể” sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Ảnh: Getty Images |
Trong năm 2022, chính phủ của ông Macron đã chứng kiến một bước thụt lùi trong chính sách châu Phi truyền thống khi buộc phải rút quân khỏi Mali và Burkina Faso theo yêu cầu của chính quyền quân sự 2 nước.
* Quốc hội Đan Mạch thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi, bỏ bớt ngày nghỉ lễ để dồn ngân sách cho chi tiêu quốc phòng đang ngày càng tăng của nước này. Cụ thể, chính phủ Đan Mạch đã đề xuất dự luật không coi “Ngày Cầu nguyện vĩ đại” là ngày nghỉ lễ công nữa nhằm điều chỉnh mô hình phúc lợi và tăng nguồn thu từ thuế phục vụ cho chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Theo đó, Đan Mạch sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức sàn của NATO là 2% GDP vào năm 2030, sớm hơn 3 năm so với dự kiến. Phần lớn trong số 4,5 tỷ DKK (hơn 640 triệu USD) cần thiết để tăng chi tiêu đáp ứng mục tiêu 2% sẽ được bù đắp từ các khoản thuế dư ra từ việc bãi bỏ ngày nghỉ lễ.
Các nghiệp đoàn đã ngay lập tức phản đối kế hoạch này. Chính phủ cũng nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ phe đối lập và các chức sắc tôn giáo. Họ thậm chí còn kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. “Ngày Cầu nguyện vĩ đại” là ngày lễ Thiên Chúa rơi vào ngày thứ Sáu thứ tư sau lễ Phục Sinh hằng năm và được thực hiện ở Đan Mạch từ năm 1686 đến nay.
* Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO là “ưu tiên hàng đầu” đối với khối. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp mặt giữa ông Jens Stoltenberg với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ở Helsinki hôm 28-2.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Phần Lan Sunna Marin tại buổi họp báo ngày 28-2. Ảnh: NATO |
Tại cuộc gặp mặt, ông Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khẩn trương phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của 2 nước Bắc Âu và tiết lộ trước báo giới rằng tiến trình kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đang được đảm bảo nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng đầy đủ các tiêu chí gia nhập NATO. Còn phát biểu của Thủ tướng Phần Lan thì ám chỉ rằng việc làm chậm quá trình gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu có nguy cơ làm xói mòn uy tín của khối và chính sách mở cửa cho các thành viên mới.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý nối lại đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels vào đầu tháng tới để giải quyết những trở ngại, đặc biệt là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, liên quan vấn đề gia nhập NATO. Quốc hội Hungary đã “khẳng định rõ” sẽ cân nhắc việc phê chuẩn đơn xin gia nhập của 2 nước trong vài ngày tới. Hôm nay, Quốc hội Phần Lan thông qua đạo luật xin gia nhập NATO.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)