• :
  • :

Peru ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô

Chính phủ Peru ban bố sắc lệnh áp đặt tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Lima và 3 thành phố lớn để ứng phó với các vụ biểu tình đòi tổng thống nước này từa chức. Sắc lệnh này có hiệu lực trong 30 ngày, tính từ 15-1.

Sắc lệnh áp đặt tình trạng khẩn cấp được công bố trên báo nhà nước El Peruano vào đêm 14-1, giờ địa phương và được ký bởi Tổng thống Dina Boluarte, Thủ tướng Alberto Otarola cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp Peru. Sắc lệnh trên nêu rõ, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Lima cùng 3 thành phố Cuzco, Puno và Callao của Peru sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, tính từ ngày 15-1. Ngoài 4 thành phố lớn, tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố trên địa bàn 3 tỉnh Andahuaylas, Tambopata và Tahuamanu. Quân đội sẽ thực thi chế độ kiểm soát đặc biệt ở quận Torata thuộc tỉnh Mariscal Nieto và một số tuyến đường cao tốc.

Hàng trăm người biểu tình trên các tuyến phố ở thành phố Juliaca, Peru, ngày 14-1. Ảnh: Anadolu Agency 

Sắc lệnh cũng cho phép quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình để vãn hồi trật tự, đồng thời tạm đình chỉ một số quyền hiến định của người dân như tự do đi lại và hội họp. Cảnh sát và quân đội có quyền khám xét nhà riêng của người dân trong giai đoạn này, cũng như được sử dụng vũ lực để bảo đảm trật tự. Riêng tại thành phố Puno, người dân phải tuân thủ lệnh giới nghiêm ban đêm trong 10 ngày, bắt đầu từ 15-1.

Chính phủ Peru ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng kể từ ngày 7-12-2022, khi Tổng thống Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao cũng như các nghị sĩ Quốc hội Peru, coi đây là hành động “đảo chính”. Ngay sau đó, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu phế truất ông Castillo. Phó tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ. Ngày 29-12-2022, phòng kháng cáo của Tòa án Tối cao Peru đã giữ nguyên quyết định của tòa tạm giam ông Castillo 18 tháng, đến tháng 6-2024. Theo công tố viên Alcides Diaz, ông Castillo bị cáo buộc âm mưu nổi loạn và có thể lĩnh án tù tới 10 năm nếu bị kết tội.

Sự việc đã làm bùng lên làn sóng biểu tình trên khắp đất nước Peru. Người biểu tình kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, đòi nữ Tổng thống Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Các cuộc biểu tình khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, trong đó có 1 sĩ quan cảnh sát. Sân bay tại Cuzco-thành phố cửa ngõ tới điểm du lịch nổi tiếng Machu Picchu ở miền Nam Peru-cũng phải đóng cửa trong hai ngày 13 và 14-1 nhằm phòng ngừa người biểu tình xông vào đường băng và phá phách bên trong. Sân bay này sau đó đã mở cửa trở lại. Theo thống kê của Văn phòng Tổng công tố Peru, các vụ bạo loạn kéo dài trong hơn một tháng qua đã làm ít nhất 355 dân thường và 176 cảnh sát bị thương. Khoảng 330 người bị bắt liên quan đến biểu tình chống chính phủ.

Trước sức ép của làn sóng biểu tình, một số thành viên nội các của bà Boluarte đã từ chức vào ngày 13-1, trong đó có lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Bộ Phụ nữ Peru. Tổng thống Boluarte sau đó bổ nhiệm tướng cảnh sát về hưu Vicente Romero làm tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đêm 13-1, Tổng thống Boluarte xuất hiện trên truyền hình quốc gia với thông điệp kêu gọi hòa bình. Bà thay mặt chính phủ xin lỗi về sự việc nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, đồng thời kêu gọi hòa bình. Tuy nhiên, bà bác bỏ các yêu cầu từ chức và khẳng định đã yêu cầu Quốc hội đẩy nhanh kế hoạch bầu cử.

BÌNH NGUYÊN

Tags: Peru
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết