• :
  • :

Nhìn lại một năm cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz

Tròn một năm trước, ông Olaf Scholz nhậm chức Thủ tướng Đức, một vị trí không mấy dễ dàng khi mà người tiền nhiệm của ông, bà Angela Merkel, đã để lại quá nhiều dấu ấn sâu đậm sau 16 năm cầm quyền.

Trên thực tế, ông Scholz đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi, trong bối cảnh thế giới bắt đầu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng: Tác động của chiến sự Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 còn đeo đẳng, khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng cao, lạm phát bùng nổ...

Nếu như trước đây bà Merkel, bằng một phong thái điềm tĩnh, ung dung dẫn dắt nước Đức thoát khỏi các cuộc khủng hoảng thì ông Scholz lại có phần bối rối khi đứng trước một thách thức chưa từng có: Đưa nước Đức thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga.

Bên cạnh đó, liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) buộc ông Scholz phải hết sức thận trọng, thậm chí có phần dè dặt khi đưa ra những quyết sách quan trọng. Tất cả đặt ra cho dư luận câu hỏi: Liệu ông Scholz có thể đưa nước Đức lấy lại vị trí đầu tàu để tiếp tục dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) hay không, nhất là sau khi Anh chính thức rời khỏi EU?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tặng hoa người tiền nhiệm Angela Merkel trong lễ chuyển giao chính thức tại Berlin, ngày 8-12-2021. Ảnh: Getty Images

Thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại

Theo nhà báo Dave Braneck của Euronews, chính sách đối ngoại của ông Scholz không hẳn xuất phát từ cam kết cải cách khi tranh cử, mà bắt nguồn từ phản ứng miễn cưỡng khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra. Ngay trong những ngày đầu chiến sự, Thủ tướng Scholz đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Đức kêu gọi một “sự thay đổi mang tính thời đại” trong chính sách đối ngoại, cam kết dành 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội Đức, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng của Nga.

Thay đổi bất ngờ này trong chính sách làm ngỡ ngàng ngay chính những thành viên Đảng SPD của ông Scholz. Bởi lẽ, trong nhiều thập kỷ, Đức tỏ ra khá chậm chạp trong đầu tư cho quốc phòng và chần chừ trước mọi lời thúc giục gửi vũ khí tới những nơi có chiến sự. Việc chính quyền Đức gửi vũ khí hạng nặng viện trợ cho Ukraine cũng khiến dư luận nước này bị chia rẽ, bởi người Đức còn chưa quên những bài học đắt giá kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngoài khoản ngân sách trị giá 100 tỷ euro để “hồi sinh” quân đội Đức, Thủ tướng Scholz cũng cam kết đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Điều đó phần nào cho thấy, ông Scholz đang cố gắng làm hài lòng các đồng minh-vốn hy vọng Đức sẽ đóng vai trò năng động hơn nữa, bởi trong quá khứ, Berlin từng hứa tăng chi tiêu quốc phòng, song cam kết này đã không thành hiện thực.

Đột phá trong đối nội

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Thủ tướng Scholz đã tăng mức lương tối thiểu lên 12 euro/giờ, giúp hơn 6 triệu người lao động Đức tăng thêm thu nhập, thực hiện cải cách phúc lợi xã hội sâu rộng, phê duyệt chương trình bảo hiểm thất nghiệp vốn được đưa ra dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schröder năm 2003, thực hiện cải cách quy trình nhập tịch Đức.

Tuy nhiên, không phải quyết sách nào do ông Scholz đề xuất cũng nhận được sự đồng thuận của các đảng phái trong liên minh cầm quyền. Bằng chứng là Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thường xuyên bày tỏ sự bất đồng công khai với các đề xuất chính sách của Đảng Xanh và SPD, nhất là về vấn đề thuế, cải cách nhập tịch và trợ cấp giao thông công cộng.

“Sự hợp tác giữa 3 đảng trong liên minh cầm quyền có thể được ví như một cuộc hôn nhân không mấy lãng mạn, nhưng cuối cùng cũng suôn sẻ, bởi sau một năm vật lộn, họ đã tìm ra cách tạo nên sự đoàn kết và cùng nhau thông qua nhiều chính sách hữu ích”, như nhận định của Tiến sĩ Hans-Jürgen Urban, thành viên ban điều hành IG Metall, liên minh công nghiệp lớn nhất EU.

Chèo lái “con tàu năng lượng”

Đặc biệt, chính sách năng lượng của ông Scholz đã trở thành điểm nóng cho các cuộc đàm phán gai góc trên nghị trường, bởi nó đi ngược với đường hướng của Đảng Xanh và FDP. Chưa kể, cử tri Đức rất quan tâm đến các chính sách liên quan tới chống biến đổi khí hậu. Nay, những chính sách này có nguy cơ bị cản trở sau quyết định duy trì các nhà máy điện hạt nhân của ông Scholz. Tất nhiên, người Đức chẳng còn lựa chọn nào khác mà buộc phải chấp nhận duy trì năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu trong nước, thay vì xóa sổ nó để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe con người.

Khi giá năng lượng bùng nổ cùng lạm phát tăng cao, ông Scholz bất ngờ phê duyệt gói trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ euro. Quyết định này của ông Scholz bị các đồng minh EU chỉ trích có nguy cơ bóp méo cạnh tranh trên thị trường, trong khi họ đang kỳ vọng Berlin sẽ dẫn dắt EU xây dựng một kế hoạch năng lượng thống nhất trên toàn khối.

Việc nền kinh tế lớn nhất EU theo đuổi các mục tiêu năng lượng một cách độc lập đã gây áp lực lên các quốc gia EU khác, đặc biệt là đồng minh lâu năm Pháp. Paris đã không giấu nổi sự thất vọng trước một số khoản chi tiêu quân sự mà Đức dành cho các hệ thống vũ khí của Mỹ, phá vỡ các kế hoạch hiện có trong các dự án chung của EU.

Gói trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ euro giúp Thủ tướng Scholz ghi điểm với người dân trong nước, song mặt khác, buộc ông phải trả giá bằng các mối quan hệ kém “mặn nồng” với các đồng minh trong EU. Bất chấp những dư luận về “một sự thay đổi mang tính thời đại”, vai trò đầu tàu mà Thủ tướng Scholz muốn nước Đức đảm nhận trên trường quốc tế, tiếc thay, cho đến nay, vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. 

HÀ PHƯƠNG

Tags: Olaf Scholz
Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết