• :
  • :

Nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững ở Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình hiện có độ che phủ rừng 68,69%, đứng thứ 2 cả nước. Để có được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đó, người dân nhiều địa phương đã chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống; phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Thêm nguồn lợi từ du lịch

Sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi sinh sống của tộc người Arem. Năm 1956, tộc người này được phát hiện trong hang đá giữa sâu thẳm núi rừng với chỉ 18 người. Đến năm 1992, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương, người Arem rời hang đá ra sinh sống, định cư ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Những cánh rừng xanh ngắt, trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Rời xa hang đá để thích nghi với cộng đồng là cả quá trình không dễ dàng với tộc người Arem. Với người Arem, rừng là thần hộ mệnh, là đấng chở che giúp họ sinh tồn, vượt qua nỗi sợ hãi để sống. Năm 2003, thực hiện chủ trương xanh hóa bản làng, huyện Bố Trạch quyết định hỗ trợ bà con Arem cây huê (sưa) giống để trồng trên diện tích 8,5ha, cách bản khoảng 3km. Kể từ đó, bà con Arem cùng nhau chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng huê. 

Đến nay, rừng huê đã sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang về thu nhập cao cho người dân. Cùng với việc gìn giữ, chăm sóc rừng huê, người Arem còn được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng giao bảo vệ khoảng 4.000ha rừng đặc dụng với nhiều loại cây gỗ quý hiếm. Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết: "Kể từ khi người Arem tham gia bảo vệ, rừng chưa mất một cây. Với người Arem, cây là của từng gia đình nhưng rừng là tài sản chung; còn rừng là còn người nên bất cứ ai cũng phải chung tay bảo vệ, gìn giữ".

Dưới chân dãy Đá Giăng (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) là khu rừng lim cổ thụ rộng khoảng 40ha. Đây có lẽ là rừng lim quý hiếm bậc nhất còn sót lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với hàng trăm gốc lim cổ thụ, trong đó nhiều cây trên 60 năm tuổi, đường kính hơn một mét. Chủ nhân của rừng lim này là ông Trương Xuân Đô, 70 tuổi, một người con của núi rừng Tân Hóa.

Theo ông Đô, trước đây ở dãy Đá Giăng này có rất nhiều loại gỗ quý hiếm. Thế nhưng, phần thì do chiến tranh phá hoại, phần do ý thức của con người mà rừng ngày càng cạn kiệt. Sau này, ông đề nghị chính quyền địa phương cho phép mình bảo vệ, gìn giữ rừng lim quý hiếm này. Kể từ đó, hằng ngày, ông một mình vào rừng kiểm đếm số lượng, đánh dấu vị trí cây cao, thấp, lớn bé để tiện chăm sóc, bảo vệ. Ông rào chắn các lối mòn dẫn vào rừng lim ngăn không cho người lạ khai thác trái phép.

Việc làm của ông Trương Xuân Đô được bà con địa phương đồng tình ủng hộ. Đến khi Nhà nước chủ trương giao rừng cho nhân dân và kiểm đếm lại, ông Trương Xuân Đô nhường hơn nửa diện tích rừng lim cho nhiều gia đình cùng chung sức bảo vệ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đô tâm sự: "Giữ rừng không chỉ cho mình mà cho các thế hệ con cháu mai sau. Rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho từng gia đình mà quan trọng hơn, giữ rừng là giữ được môi trường sống trong lành, mát mẻ. Nhờ rừng mà lũ lụt, sạt lở đất cũng giảm đi rất nhiều".

Tháng 2-2023, "Rừng lim ông Đô" được Công ty Oxalis phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đưa vào khai thác tour lái xe địa hình ATV (All Terrain Vehicle) khám phá rừng lim Tân Hóa. Trong chuyến phiêu lưu kéo dài 2 tiếng đồng hồ, du khách được tự mình làm chủ cung đường, lái xe địa hình chạy xuyên qua cánh rừng lim, rừng cọ tuyệt đẹp, đồng thời chinh phục nhiều khúc cua uốn lượn, băng suối, chạy trong hầm tối... "Sức hấp dẫn của nó là rất lớn bởi đây là tour ATV rừng lim đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam”, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho biết.

Chung tay bảo vệ rừng

Ngoài cộng đồng người Arem và cá nhân ông Trương Xuân Đô, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng. Đó thực sự là lực lượng quan trọng góp phần cùng các cơ quan chức năng phủ xanh những cánh rừng trên dải đất Quảng Bình đầy nắng gió.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định: "Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, Quảng Bình xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trương Xuân Đô (ngoài cùng, bên trái), người bảo vệ rừng lim quý hiếm ở xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). 

Những năm qua, Quảng Bình đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 68%, đứng thứ hai toàn quốc. Hằng năm, Quảng Bình cung cấp cho chế biến và thị trường trên 500.000m3 gỗ rừng trồng, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, đời sống người dân ngày càng cải thiện, an sinh xã hội được giải quyết cơ bản, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững".

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, giai đoạn 2017-2022, Quảng Bình đã trồng được 48.731ha rừng; trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 3.257ha; trồng rừng sản xuất là 45.471ha (có 2.990ha rừng gỗ lớn)... Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức hơn 1.000 đợt kiểm tra, truy quét lâm tặc; phát hiện và lập biên bản 3.913 vụ vi phạm hành chính về lâm luật, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép. Ngoài ra, tỉnh đã kêu gọi và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều dự án ODA đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng với tổng kinh phí 226.743 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là tình trạng khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các đơn vị chủ rừng tại một số địa phương, vùng giáp ranh vẫn còn xảy ra. Kinh phí phục vụ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cộng đồng còn thiếu thốn; cơ sở hạ tầng, ngân sách hoạt động, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn...

Mới đây, Quảng Bình là một trong 6 tỉnh của cả nước được thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, từ năm 2023 đến 2025, Quảng Bình được cấp nguồn kinh phí 12,1 triệu USD để chi trả cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư chủ rừng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, thực hiện các mô hình sinh kế cộng đồng, cải tạo, làm giàu tài nguyên rừng. Ngoài ra, trong điều kiện còn khó khăn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh sử dụng kinh phí từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, như: Khai thác nguồn nước, du lịch dưới tán rừng... để hỗ trợ các chủ rừng bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của tỉnh.

"Đó là những điều kiện thuận lợi để Quảng Bình tiếp tục giữ vững và tăng tỷ lệ che phủ rừng trong thời gian tới; tuy nhiên yếu tố quan trọng vẫn là ý thức của người dân. Chỉ khi người dân chung sức, đồng lòng cùng quản lý, gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng thì mới đem lại hiệu quả thiết thực, bền vững", đồng chí Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình khẳng định.

Bài và ảnh: TRẦN MINH TÚ

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...