• :
  • :

Nga thông qua kế hoạch phát triển tuyến đường biển phía Bắc đến năm 2035

Ngày 4-8, Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin đã phê duyệt kế hoạch phát triển tuyến đường biển phía Bắc (NSR) đến năm 2035.

Đây được xem là phương án thay thế của Nga nhằm cung cấp sản phẩm, hàng hóa đến các quốc gia thân thiện trong bối cảnh Moscow đang hứng chịu làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Thông báo đăng tải trên trang web của Chính phủ Liên bang Nga ngày 4-8 cho biết, dự án phát triển NSR bao gồm 150 hạng mục với tổng đầu tư gần 1,8 nghìn tỷ ruble. Thông báo có đoạn viết: “Chính phủ tiếp tục làm việc để xây dựng cơ sở hạ tầng của NSR-hành lang giao thông quan trọng nhất đối với quốc gia và toàn cầu. Sắc lệnh phê duyệt kế hoạch phát triển dự án này đến năm 2035 đã được Thủ tướng Mikhail Mishustin ký”. Chính phủ Nga cũng nhấn mạnh, mục tiêu chính của việc phát triển NSR là bảo đảm vận chuyển hàng hóa an toàn và đáng tin cậy cho người dân sống ở vùng cực Bắc, cũng như tạo điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư ở vùng Bắc Cực của nước Nga.

Nga đặt mục tiêu phát triển tuyến đường biển phía Bắc thay thế kênh đào Suez trong tương lai (ảnh minh họa).Ảnh: Reuters

Trong số các hạng mục của dự án này có xây dựng bến cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và khí ngưng tụ Utrenny, một bến cho tàu chở dầu Bukhta Sever và một bến cho tàu chở than Yenisei. Ngoài ra, kế hoạch nói trên cũng quy định việc xây dựng các công trình thủy lợi và ven biển để cung cấp cho mỏ Baimskoye, tạo ra các khu liên hợp trung chuyển hàng hải cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở vùng Kamchatka và Murmansk cũng như một cảng đầu mối để điều tiết giao thông quá cảnh ở Vladivostok.

Dự án cũng có kế hoạch đóng các tàu cho hạm đội phá băng, bao gồm tàu phá băng dẫn đầu thuộc dự án Leader và phát triển các cơ sở sản xuất đóng và sửa chữa tàu ở Bắc Cực. Cùng với đó là xây dựng một đội tàu cứu hộ gồm 46 chiếc, trang bị máy bay trực thăng cho các trung tâm cứu hộ khẩn cấp ở Bắc Cực thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Theo Sputnik, NSR chạy dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, có chiều dài khoảng 5.600km, kết nối các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga, cũng như các cửa sông Siberia để tạo thành một tuyến giao thông thống nhất. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu, là dự án kinh tế trọng tâm của Nga ở Bắc Cực và khu vực Viễn Đông. Trong sắc lệnh đưa ra hồi tháng 5-2018, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin yêu cầu đến năm 2024, lưu lượng hàng hóa dọc theo NSR phải tăng gấp đôi, lên 80 triệu tấn/năm. Việc xây dựng NSR cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng của Nga nhằm thay thế kênh đào Suez.

“NSR ngắn hơn 40% so với tuyến đường vận tải qua kênh đào Suez và có một số lợi thế, bao gồm cả các lợi thế chính trị. Chiều dài ngắn hơn của nó không chỉ cho phép giảm thời gian, mà còn cả chi phí nhiên liệu, giúp giảm thiểu áp lực do con người gây ra với môi trường”, Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, ông Alexei Chekunkov nhấn mạnh. Theo Reuters, sử dụng NSR sẽ giúp thời gian vận chuyển khí đốt đến châu Á giảm từ 36 ngày xuống còn 19 ngày.

Hiện tại, các tàu hàng chỉ có thể đi qua NSR 5 tháng trong một năm, vào thời điểm xuân hè. Do Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới nên Nga đang có kế hoạch đóng các tàu phá băng chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng và tàu phá băng công suất lớn để mở rộng tuyến đường và trở nên phù hợp hơn với hoạt động vận tải quanh năm.

BÌNH NGUYÊN

Tags: qdnd