• :
  • :

Nam Định tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Nam Định tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH-CN). Tuy đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận nhưng để KH-CN thực sự trở thành động lực nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cấp chính quyền ở Nam Định vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Đầu tư cho các dự án khoa học-công nghệ 

Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nam Định cho biết: "Nhận thức được vai trò quan trọng của KH-CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, tăng cường tiềm lực hạ tầng kỹ thuật KH-CN nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các đơn vị KH-CN công lập trên địa bàn, như: Sửa chữa trụ sở làm việc, tăng cường đầu tư bổ sung các trang thiết bị cần thiết phục vụ yêu cầu chuyên môn, điều kiện làm việc".

Một số tổ chức có sự đầu tư mạnh cho trang thiết bị như: Trung tâm ứng dụng, dịch vụ KH-CN (Sở KH-CN) được đầu tư 51,7 tỷ đồng; Trung tâm giống gia súc, gia cầm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định được đầu tư 5 tỷ đồng... Ngoài ra, hầu hết cơ quan, đơn vị, tổ chức đều được trang bị máy tính, công nghệ phục vụ công việc chuyên môn. Cũng trong thời gian này, tỉnh đã đầu tư một số dự án KH-CN, tiêu biểu là Dự án “Nâng cao năng lực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nam Định giai đoạn II” với tổng kinh phí 28 tỷ đồng. Dự án phát huy hiệu quả đầu tư khi giúp tỉnh duy trì tốt năng lực kiểm định, hiệu chuẩn thuộc 7 lĩnh vực đo lường, đào tạo mở rộng 5 phép thử nghiệm; duy trì chuẩn, thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra gần 400 cơ sở; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn đạt 24.000 phương tiện đo lường...

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia những hoạt động KH-CN, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Theo báo cáo của Sở KH-CN tỉnh Nam Định: Giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp trong tỉnh đã hoàn thiện 18 quy trình công nghệ của các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất những giống lúa năng suất, chất lượng cao với các đối tượng nổi bật là nuôi tôm hữu cơ, sản xuất cá hồng Mỹ, trồng hoa công nghệ cao, giống khoai tây sạch... Trong hoạt động tăng cường những chứng nhận an toàn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, các doanh nghiệp của tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và chứng nhận an toàn, tiên tiến như VietGAP và HACCP.

Mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định. 

Cần ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Theo ông Vũ Xuân Trung, Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nam Định: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng KH-CN trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn bởi mạng lưới đơn vị nghiên cứu triển khai ở Nam Định còn mỏng, trình độ nhân lực KH-CN chưa cao, chưa huy động được nhiều nhân lực KH-CN của các trường đại học trên địa bàn tỉnh tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô, tiềm lực tài chính hạn chế, trình độ nguồn nhân lực chưa cao, nguồn kinh phí để đổi mới, tiếp nhận công nghệ mới còn hạn hẹp. Hệ thống sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương đang trong giai đoạn hình thành và chưa liên kết được với các tổ chức hỗ trợ.

Để thúc đẩy KH-CN phát triển, đồng chí Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: "Thời gian tới, tỉnh Nam Định tập trung đổi mới toàn diện trên các hoạt động quản lý, triển khai nhiệm vụ KH-CN; hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính...". 

Các chuyên gia đề xuất, Nam Định cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng về KH-CN, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần tập trung phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt như: Nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, tỉnh nên đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại và thân thiện với môi trường, chấm dứt việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, an ninh... Đồng thời, Nam Định cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH-CN chất lượng cao, có các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức ở trong và ngoài nước về cống hiến cho tỉnh.

Bài và ảnh: LA DUY

Tags: Nam Định