Hàn Quốc quyết tâm mở rộng hợp tác với châu Phi
Ngày 4-6, Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - châu Phi năm 2024 đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hàn Quốc (KINTEX) ở thành phố Goyang (tỉnh Gyeonggi) phía Tây Bắc thủ đô Seoul. Đây là dịp để lãnh đạo Hàn Quốc và các nước châu Phi cùng nhau thảo luận các biện pháp nhằm mở rộng quan hệ hợp tác.
Theo hãng tin Yonhap, hội nghị diễn ra từ ngày 4 đến 5-6 với trọng tâm là mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm thương mại, thăm dò và khai thác khoáng sản quan trọng, viện trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số. Phái đoàn từ 48 quốc gia châu Phi, trong đó có 25 nguyên thủ quốc gia, tham dự hội nghị.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (ở giữa, hàng đầu tiên) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi năm 2024. Ảnh: Yonhap |
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc đặt mục tiêu mở rộng thương mại và đầu tư với châu Phi thông qua một loạt thỏa thuận, như: Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), Khung xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF). Ông Yoon Suk Yeol cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi hướng tới hội nhập kinh tế khu vực thông qua Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).
Ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh: “Về mặt thương mại, chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc ký kết EPA và TIPF. Về mặt đầu tư, chúng tôi sẽ mở rộng các thỏa thuận bảo hộ đầu tư để thúc đẩy trao đổi giữa các công ty”. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác với châu Phi, Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2030 và cung cấp khoản tài chính trị giá khoảng 14 tỷ USD để giúp các công ty Hàn Quốc mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư vào châu Phi. Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia châu Phi để bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và chuyển đổi kỹ thuật số linh hoạt, đồng thời giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.
Bên lề hội nghị, ông Yoon Suk Yeol đã có những cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước châu Phi. Tại các cuộc gặp, ông Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc đã tăng cường trao đổi và hợp tác đều đặn với châu Phi trong hơn 5 thập kỷ qua và mong muốn Hội nghị thượng đỉnh sẽ là bước ngoặt để tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, khoáng sản quan trọng. Ông Yoon Suk Yeol cũng nhấn mạnh rằng, việc Seoul đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi thể hiện cam kết của nước này trong việc hoàn thành trách nhiệm và đóng góp cho cộng đồng quốc tế với tư cách là một quốc gia then chốt toàn cầu.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết họ muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc vươn lên thành cường quốc kinh tế và bày tỏ hy vọng mở rộng hợp tác với quốc gia này trong mọi lĩnh vực. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo nước này đã ký kết 12 thỏa thuận và 34 bản ghi nhớ (MOU), trong đó có 2 MOU về hợp tác khoáng sản quan trọng, với các quốc gia châu Phi bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi.
Đây là Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi đầu tiên do Hàn Quốc đăng cai tổ chức và là hội nghị thượng đỉnh đa phương lớn nhất kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol nhậm chức vào tháng 5-2022. Hội nghị thượng đỉnh lần này thể hiện nỗ lực của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol trong việc mở rộng mối quan hệ của Hàn Quốc với các quốc gia châu Phi khi tầm quan trọng chiến lược của khu vực này ngày càng tăng. Trong một thông báo, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định: “Hợp tác với châu Phi không còn là một lựa chọn mà là điều bắt buộc để bảo đảm chuỗi cung ứng và mở đường cho việc mở rộng chỗ đứng của các công ty Hàn Quốc trên thị trường”.
Châu Phi là một thị trường tiêu dùng khổng lồ với dân số 1,4 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 3.400 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với châu Phi chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên dồi dào của châu Phi đã thu hút sự chú ý từ Hàn Quốc, nước nhập khẩu năng lượng lớn và là quê hương của các nhà sản xuất chip và pin hàng đầu thế giới. Các quan chức Hàn Quốc đánh giá việc tăng cường hợp tác với các nước châu Phi sẽ giúp cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp then chốt của nước này.
LÂM ANH