• :
  • :

Hai luồng ý kiến về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí

Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm là thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí hiện đang có hai phương án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe các tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng toàn bộ những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, phù hợp với tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với hợp đồng dầu khí tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khác.

Đồng thời, bổ sung Khoản 2 Điều 41 quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật lâm nghiệp trước khi phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP).

Về chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, hiện tại, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các ưu đãi tài chính về thuế tài nguyên, thuế thu nhập, thuế xuất khẩu và thu hồi chi phí. Các chính sách về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện… là những định hướng, chính sách chung của Nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực. Đối với cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và cơ chế giảm trừ thuế dựa trên chi phí khi thực hiện hoạt động dầu khí theo hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC), nhà thầu đã được đề xuất và thỏa thuận về mức thu hồi chi phí khi ký kết hợp đồng. Đây là các chi phí nhà thầu sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Liên quan đến một số vấn đề còn có ý kiến khác, ông Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; Giao Bộ Công thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí (Phương án 1 khoản 1 Điều 24 dự thảo luật); Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Phát biểu thảo luận, đánh giá cao dự thảo luật đã có chất lượng hoàn thiện tốt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và các dự án luật khác cần rà soát tổng thể mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn đến nay đã đạt được mục tiêu gì; Rà soát, đánh giá khi ban hành luật sửa đổi có giải quyết được những vướng mắc, tồn tại hiện nay và liệu có phát sinh thêm bất cập.

Nhận định việc quản lý tổng hợp về điều tra cơ bản dầu khí còn mờ nhạt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải khắc phục được tình trạng “cát cứ” giữa các chủ thể trong điều tra cơ bản tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần làm rõ quan điểm kinh tế hóa ngành Tài nguyên; Việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản dầu khí; Làm rõ nguyên tắc sử dụng kinh phí điều tra cơ bản dầu khí; rà soát thể hiện rõ hơn nữa để thể hiện tính đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản dầu khí; bảo đảm thống nhất, nhất quán giữa các điều khoản trong dự thảo luật.

Đối với phê duyệt hợp đồng dầu khí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lựa chọn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ phát sinh bất cập, khi trong một việc lại có hai chủ thể (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương) phê duyệt, chưa rành mạch trách nhiệm giữa hai chủ thể, khó thực hiện phân cấp và bảo đảm cải cách hành chính. “Nên chăng quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ về hợp đồng dầu khí”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Về trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng có thể gây ra “luật độc tôn”, luật ban hành trước và ban hành sau Luật Dầu khí sẽ không có tác dụng, rất mâu thuẫn và khó áp dụng.

Lượt xem: 52
Tác giả: Anh Đức
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...