Giới chuyên gia đánh giá cao kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 30-7 đến 1-8, phóng viên tại New Delhi đã phỏng vấn một số chuyên gia về kết quả chuyến thăm cũng như quan hệ hai nước.
Theo Giáo sư Prabir De thuộc trung tâm ASEAN-Ấn Độ, Hệ thống nghiên cứu và thông tin cho các nước (RIS), chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ đã diễn ra hiệu quả và mang tính đột phá.
Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử và văn minh lâu đời, được nâng lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2016. Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột chính trong Chính sách Hành động hướng Đông và là đối tác quan trọng trong sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI). Các cuộc thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm đã đề cập một cách toàn diện đến nhiều lĩnh vực hợp tác song phương bao gồm kinh tế, quốc phòng, quan hệ đối tác phát triển, trao đổi văn hóa... Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp hẹp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: TTXVN |
Trong số các thỏa thuận được ký kết cùng ngày, Giáo sư Prabir De đã bày tỏ vô cùng ấn tượng với Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng năng lực hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Ủy ban Thuế gián thu và Hải quan trung ương Ấn Độ (CBIC) cũng như việc Việt Nam đã quyết định tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).
Bà Nutan Kapoor Mahawar, Trợ lý Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), bày tỏ vô cùng vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở ICWA chiều 1-8. Theo bà Nutan, Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Ấn Độ, là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông. Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Đó là mối quan hệ rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ về mặt chính trị mà còn về kinh tế, quan hệ nhân dân và cả trong việc hợp tác bảo tồn khảo cổ học tại những di tích có dấu ấn Hindu cổ đại ở Việt Nam. Bà Nutan nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ thương mại tốt. Hai nước đang xem xét tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng - quan hệ hợp tác chiến lược. Ngoài ra, hai bên còn có sự thống nhất về Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cùng ngày, ông Atul Aneja - Cố vấn Viện Tầm nhìn châu Á, nhận định Ấn Độ và Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương. Ông dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại ICWA nêu rõ hai nước có hai mục tiêu: Việt Nam phải trở thành nước phát triển vào năm 2045 và Ấn Độ cũng có mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2047.
Vấn đề đặt ra hiện nay là hai nước làm việc cùng nhau như thế nào để đạt được những mục tiêu trên. Ông Atul Aneja cho rằng hai nước cần hợp tác cùng nhau như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quân sự đến quốc phòng ở nhiều khu vực địa lý khác nhau như ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh một điểm rất quan trọng mà Thủ tướng đưa ra là chúng ta đang bước vào một thế giới đa cực và "Ấn Độ tin rằng một cực không thể xác định được trật tự thế giới toàn cầu. Ở châu Á phải có đa cực”.
Cuối cùng, ông Atul Aneja đánh giá cao cuộc gặp gỡ và buổi nói chuyện của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại ICWA, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam rất tích cực. Mối liên hệ nhân dân giữa hai nước cũng có ý nghĩa to lớn do được xây dựng từ rất xa xưa khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam và hai nước còn chia sẻ tinh thần bình đẳng, phúc lợi…