• :
  • :

Dự án vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh: Dồn lực để sớm triển khai

Nhằm thực hiện dự án vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (gọi tắt Ban công trình giao thông) tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã (TX) Bến Cát, tổ chức họp dân, công bố chủ trương đầu tư dự án.

Khởi công trong năm 2024

Tại buổi họp, ông Võ Ngọc Sang, Phó Ban công trình giao thông cho biết, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Dự án hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Với tầm quan trọng của dự án, ông Võ Ngọc Sang mong muốn các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Dự án vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh: Dồn lực để sớm triển khai
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát thực tế dự án vành đai 4 TP.HCM.

Sau khi nghe đơn vị chủ đầu tư thông tin về dự án, đại diện các hộ dân mong muốn chính quyền tỉnh Bình Dương sớm cắm mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, quan tâm đến đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng. Có chính sách phù hợp khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; nghiên cứu phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Trước đó, ngày 18/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 11 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, Kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) thông qua ngày 4/7/2023.

Theo đó sẽ bổ sung địa giới hành chính thành phố Thủ Dầu Một vào địa điểm thực hiện dự án. Địa điểm thực hiện dự án sau điều chỉnh gồm: Thành phố (TP) Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TX Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2ha.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đại diện Ban Quản lý công trình giao thông tỉnh Bình Dương cũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) gồm 2 dự án thành phần (giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp).

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023-2026; địa điểm thực hiện dự án qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát; dự kiến khởi công dự án trong năm 2024. Dự kiến dự án có điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TP.HCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên; điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát, tổng chiều dài khoảng 47,85km.

Dự án hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m cho những đoạn từ Đất Cuốc (đường ĐH.411) - VSIP IIA, đoạn từ cầu Thới An - sông Sài Gòn và các nút giao. Riêng đoạn nối Khu công nghiệp VSIP IIA - Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 giải phóng mặt bằng với quy mô 62m; đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc (kể cả nút giao cầu Thủ Biên phía Bình Dương) đã thực hiện trong dự án khác, không tính trong dự án này.

Dự án cũng đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục. Riêng đoạn từ đường ĐT.742 đến cầu Thới An, giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62m, 10 làn xe), đoạn từ Khu công nghiệp VSIP IIA - Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62m, 10 làn xe. Ngoài ra dự án cũng đầu tư phân bổ các nút giao liên thông, trực thông và xây dựng đường song hành 2 bên tuyến đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của tuyến cao tốc và kết nối giao thông khu vực, phù hợp theo tình hình phát triển của địa phương…

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai. Đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó khối lượng công việc rất lớn, cùng với các đặc điểm đặc thù của dự án, việc giải phóng mặt bằng được tách thành dự án thành phần, vốn đầu tư dự án gồm nhiều nguồn khác nhau, tỉnh sẽ huy động toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh tham gia để triển khai thành công dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

Đường vành đai 4 TP.HCM là một đoạn đường vành đai thuộc hệ thống đường cao tốc Việt Nam có tầm quan trọng tại khu vực Đông Nam Bộ. Dự án đi qua địa bàn các tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 207 km, bắt đầu tại đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, kết thúc tại Cảng Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,3 km, đoạn qua Đồng Nai dài 35 km, đoạn qua Bình Dương dài 47,8 km, đoạn qua Long An dài 74,5 km và đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 18,3 km. Đường cao tốc dự kiến khởi công vào năm 2024, vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng, hoàn thành sau 4 năm.

Thành Đồng

Lượt xem: 14
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết