• :
  • :

Đề xuất quy định tiêu chuẩn đối với tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về tiêu chuẩn đối với tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo Thông tư này quy định về tiêu chuẩn tàu bay, nhân viên hàng không; quy trình quản lý, thực hiện, điều hành và các công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện và quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài.

Đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Theo dự thảo, hãng hàng không của Việt Nam thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam phải đảm bảo 2 tiêu chuẩn sau: Có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay còn hiệu lực do Cục Hàng không Việt Nam cấp; có năng lực và phạm vi hoạt động được phê chuẩn trong giấy chứng nhận phù hợp với nhiệm vụ chuyên cơ được phân công; có thời gian hoạt động khai thác tàu bay thương mại tối thiểu là 5 năm; có chương trình quản lý an toàn và chương trình độ tin cậy đối với việc khai thác và bảo đảm kỹ thuật tàu bay theo quy định được thực hiện đáp ứng đầy đủ và toàn diện các yêu cầu về an toàn hàng không.

Về tiêu chuẩn đối với tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, dự thảo nêu rõ, tàu bay được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam và được khai thác bởi hãng hàng không của Việt Nam đáp ứng quy định. Tàu bay thuộc loại có hai động cơ trở lên.

Tại thời điểm thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, tàu bay phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau: trên các hệ thống trọng yếu của tàu bay bao gồm hệ thống tạo lực đẩy, hệ thống nguồn điện, báo và dập cháy, thủy lực và điều khiển tàu bay không có hỏng hóc lặp lại (hỏng hóc tương tự trong khoảng thời gian 3 ngày khai thác hoặc 7 chuyến bay liên tục trên cùng một hệ thống hoặc một thiết bị); hoặc hỏng hóc chưa được khắc phục triệt để; hoặc hỏng hóc được phép trì hoãn theo tài liệu danh mục thiết bị tối thiểu (MEL); hoặc thông báo hỏng hóc (maintenance message đối với B787, maintenance message class 1,2 đối với A321/A350) ngoại trừ các thông báo hỏng hóc (maintenance message) mà theo ý kiến của nhà sản xuất là báo giả (nuisance, spurious) hoặc không yêu cầu thực hiện khắc phục (No maintenance action required).

Đối với các hệ thống khác của tàu bay, trong trường hợp áp dụng trì hoãn hỏng hóc theo tài liệu khai thác, bảo dưỡng yêu cầu phải đảm bảo tính dự phòng cần thiết để tàu bay có thể tiếp tục thực hiện chuyến bay nếu tiếp tục hỏng hóc phát sinh trên các hệ thống này trong quá trình thực hiện chuyến bay chuyên cơ.

Có đầy đủ thiết bị khẩn nguy, an toàn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Đối với các thiết bị có thọ mệnh trên thân tàu bay, thời hạn hoạt động còn lại của thiết bị không nhỏ hơn 10% tổng thọ mệnh hoặc 1000 lần cất, hạ cánh tùy thuộc thời hạn nào đến sau, theo quy định của nhà chế tạo tính theo thời gian, theo giờ bay hoặc số lần cất, hạ cánh.

Có tối thiểu 2 chỗ nằm nghỉ hoặc ghế ngồi tiện lợi cho nhu cầu nghỉ ngơi của khách chuyên cơ khi chuyến bay kéo dài từ 4 giờ trở lên.

Có cấu hình đáp ứng được các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao khi có yêu cầu.

Được người đứng đầu hãng hàng không thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam quyết định bằng văn bản cho tàu bay được thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam.

Lượt xem: 122
Tác giả: Trung Thứ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...