• :
  • :

Để hội nghị có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng

Hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm... là dịp để mỗi tập thể, cá nhân đánh giá lại kết quả, phân tích nguyên nhân, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu trên các mặt công tác và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo; tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động. Làm thế nào để các hội nghị có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tránh các ý kiến phát biểu chung chung, xuôi chiều, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra? Trang “Ý kiến chiến sĩ” ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thượng tá NGUYỄN ĐÌNH THUẬN, Chính ủy Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên:

Dám nói, dám nhìn thẳng vào sự thật 

Mục đích chung của các hội nghị là chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm làm cơ sở sửa chữa, khắc phục những tồn tại để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn. Hội nghị nào thì vai trò của người chủ trì, điều hành cũng rất quan trọng, phải biết “châm ngòi” để khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm, chỉ ra những mặt còn hạn chế và đề ra được những chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo. Trong các báo cáo nên thẳng thắn chỉ ra điểm yếu, trách nhiệm thuộc về ai chứ không nên chung chung kiểu còn “một số đồng chí”, “một số bộ phận” đạt kết quả chưa cao; tập trung đánh giá vào những nhiệm vụ chính trị trung tâm, có kết quả bằng số liệu cụ thể...

Dám nói, dám nhìn thẳng vào sự thật, những khuyết điểm, tồn tại để sửa chữa, khắc phục là điều đáng quý, không chỉ có lợi cho tập thể mà cán bộ cũng được cọ xát, trưởng thành hơn. Theo tôi, người chủ trì, điều hành hội nghị phải linh hoạt, sáng tạo, có phương pháp phù hợp để đại biểu dự hội nghị phát biểu thẳng thắn, chân tình, trên tinh thần xây dựng, tránh khen để lấy lòng nhau, phát biểu theo “lập trình”...

Một ca trực của cán bộ, nhân viên Trạm ra-đa 535, Trung đoàn Ra-đa 351, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: HOÀNG NGỌC 

Thượng tá NGUYỄN ĐỨC THUẤN, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ra-đa 351, Vùng 3 Hải quân:

Tạo lòng tin để bộ đội thẳng thắn phát biểu, chia sẻ

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và các hội nghị khác đều nhằm đánh giá toàn diện, đúng thực chất những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm và rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ; xác định phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Vì vậy, rất cần những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của cán bộ, chiến sĩ. Với phương châm phê bình việc chứ không phải phê bình người, chúng tôi đẩy mạnh tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm vừa đấu tranh vừa xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy từ trung đoàn đến các trạm đã làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, mỗi ngành; xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn; xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; thực hiện tốt công tác tư tưởng, công tác chính sách, giải quyết tốt các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ.

Chỉ huy các cấp thường xuyên sâu sát, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải đáp những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội. Từ đó, xây dựng lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm tư tưởng, gắn bó xây dựng đơn vị; tạo sự gần gũi, thân tình, mạnh dạn chia sẻ, góp ý giúp nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không có hiện tượng đơn thư khiếu nại sai quy định, vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Đại úy HOÀNG VIỆT ANH, Đại đội trưởng Đại đội Tiêu tẩy-Khói 1, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3:

Tránh các ý kiến chung chung, xuôi chiều

 Khi chuẩn bị ý kiến phát biểu trong các hội nghị, tôi xác định rõ chủ đề, mục đích, yêu cầu mà hội nghị hay sự kiện mình tham gia. Để tránh tình trạng phát biểu chung chung, nêu thành tích, đồng thuận xuôi chiều, tôi phải bám sát vào thực tiễn, thẳng thắn nhìn vào sự thật. Khi đại diện cho đơn vị, tôi trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ để bảo đảm nội dung được tổng hợp, bao quát nhất.

Trong các hội nghị, vai trò của người chủ trì rất quan trọng, phải sâu sát, điều hành khoa học để các nhóm đối tượng trong cơ quan, đơn vị đều được phát biểu ý kiến; trong quá trình thảo luận, phải gợi mở, định hướng các ý kiến tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong hoạt động của đơn vị như tình trạng yếu kém kéo dài, việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, trọng tâm trong thời gian tới, lựa chọn những tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc phát biểu. Bản thân người chủ trì cũng phải thật sự công tâm, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến tâm huyết, hợp lý của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ để mỗi hội nghị, buổi tọa đàm, rút kinh nghiệm diễn ra dân chủ, thẳng thắn, phát huy hiệu quả.

Thiếu tá QNCN TÂN THỊ HỒNG THẮM, nhân viên văn thư Tiểu đoàn Phòng hóa 78, Bộ Tham mưu Quân khu 5:

Phải thực sự chân thành, thẳng thắn

Mỗi hội nghị là dịp để quân nhân nhìn nhận, đánh giá bản thân đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao chưa; lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội; tham gia đóng góp ý kiến giúp cơ quan, đơn vị có chủ trương, biện pháp thực hiện tốt các mặt công tác. Đối với người chỉ huy, nếu tổ chức tốt các hội nghị này sẽ đánh giá, làm rõ được những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để truyền đạt, giáo dục, nhắc nhở bộ đội những vấn đề cần chú ý, kịp thời biểu dương, phê bình những việc làm tốt và chưa tốt của từng tập thể, cá nhân, đi đến thống nhất về hành động.

Đối với quân nhân, khi nắm được kế hoạch tổ chức hội nghị của đơn vị cần bám sát nội dung, chủ đề cũng như chức trách, nhiệm vụ được giao để chuẩn bị ý kiến phát biểu bảo đảm ngắn gọn, đúng trọng tâm trên tinh thần góp ý, xây dựng để cùng tiến bộ. Nội dung phải thực sự chân thành, thẳng thắn, nhìn thẳng vào khuyết điểm, không tư lợi cá nhân, không a dua, xuôi chiều, biết bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh, phê bình cái sai, cái xấu. Tôi cũng cho rằng, để đạt được mục đích hội nghị đề ra, người chủ trì cần phải nắm được mặt mạnh, mặt còn tồn tại, hạn chế của cơ quan, đơn vị... để định hướng, gợi mở các bên liên quan cùng thảo luận; đề cao dân chủ, phân tích, giải thích, kết luận hợp tình, hợp lý các vấn đề nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong đơn vị. Đặc biệt là tuyệt đối không ác cảm, phân biệt đối xử với những đồng chí có ý kiến, kiến nghị trái chiều, chưa đồng thuận.

-------------------------------------------------------------

Mấu chốt là công tác chuẩn bị và điều hành

Để một hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm... thành công, cần làm tốt nhiều khâu, trong đó mấu chốt là công tác chuẩn bị và điều hành của người chủ trì.

Theo đó, trước khi tổ chức hội nghị, cùng với xây dựng kế hoạch, các đơn vị cần hướng dẫn cụ thể, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thành phần tham gia để các bộ phận liên quan làm công tác chuẩn bị, nhất là báo cáo trung tâm. Ngoài kết quả đạt được cùng những cách làm hay, sáng tạo để phổ biến, nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị khác cùng học tập, báo cáo cũng phải thẳng thắn chỉ ra được hạn chế, khuyết điểm, tìm được nguyên nhân để đại biểu tham dự phát biểu ý kiến phân tích, đề xuất biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phù hợp, sát thực tiễn.

 Một buổi huấn luyện của bộ đội Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ảnh: HUY CƯỜNG 

Báo cáo trung tâm cần hết sức tránh thổi phồng thành tích, “tô hồng” số liệu, ít đề cập đến tồn tại, hạn chế hoặc có nói đến nhưng không hết, nói chung chung, đại khái, đổ lỗi cho khách quan... Mặc dù đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ nhưng là một biểu hiện của bệnh thành tích nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân, cục bộ; gây nhiều tác hại khôn lường, trước hết là gây lãng phí tiền của, mất thời gian tổ chức hội nghị, không mang lại hiệu quả.

Một vấn đề nữa là vai trò của người chủ trì, điều hành hội nghị. Mặc dù việc định hướng các vấn đề để bộ đội chuẩn bị nội dung phát biểu, tập trung ý kiến là tốt, nhưng phải tránh phân công phát biểu một cách cứng nhắc theo kịch bản, nhằm tạo điều kiện cho các đồng chí khác được phát biểu ý kiến của mình, từ đó giúp người chỉ huy nắm bắt được tình hình một cách đa chiều, toàn diện, đồng thời điều này cũng giúp hạn chế hình thành thói quen máy móc, thụ động, đi theo lối mòn...

Quan trọng hơn, cấp trên phải luôn dân chủ, cởi mở, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các đại biểu; tránh tình trạng ác cảm, phê phán, đánh giá không tốt đối với những đồng chí có ý kiến trái chiều, không đồng thuận. Muốn thế, người chủ trì phải công minh, khách quan, thực sự cầu thị, nắm rõ tình hình cơ quan, đơn vị, có vốn hiểu biết rộng và khả năng tư duy nhanh nhạy hướng bộ đội vào những vấn đề then chốt, cần phân tích, mổ xẻ, tránh tình trạng phát biểu chung chung, lan man. Cũng rất cần khuyến khích các ý kiến phát biểu mang tính tự giác, xây dựng, đúng suy nghĩ của bộ đội.

Nếu xung quanh các ý kiến này có sự trao đổi, bàn luận, tranh luận sôi nổi thì chứng tỏ hội nghị đã nêu đúng, trúng vấn đề bộ đội quan tâm, góp phần mang lại thành công của hội nghị.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...