• :
  • :

Cục Báo chí đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Ngày 19-7, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16-7-2003/ 16-7-2023) và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì. Đến dự có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Các đại biểu tham quan triển lãm về Cục Báo chí.

Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28-8-1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng.

Ngày 16-7-2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 28-6-2004, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký ban hành Quyết định số 44/2004/QĐ-BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí. Ngày 27-7-2007, thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Bộ Bưu Chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin. Cục Báo chí lúc này chính thức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, nhấn mạnh: “Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT thời kỳ này. Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông”. 

Quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả. Công tác quản lý báo chí được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin báo chí.

 Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Cục Báo chí.

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Cục Báo chí.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Báo chí cách mạng Việt Nam phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, sánh vai với cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Muốn vậy, quản lý Nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển, phát triển báo chí bền vững; làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước; đảm bảo cho người làm báo sống được lành mạnh, các cơ quan báo chí phải được đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục trưởng Cục Báo chí phải trực tiếp lãnh đạo, chuyển đổi hoạt động của Cục lên môi trường số. Ngoài ra, xây dựng trung tâm lưu chiểu số có công cụ đánh giá, phân tích tin bài của cơ quan báo chí. Bộ trưởng cho biết đây là công cụ quan trọng nhất để quản lý báo chí trên môi trường số.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG

Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết