Coi trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Trước đây, trên tuyến đường tại khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), không ít người dân thường xả rác tùy tiện, hình thành nhiều bãi rác gây ô nhiễm môi trường.
Khắc phục tình trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Túc đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức mỗi tuần dọn vệ sinh một lần. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Do vậy, Hội tiếp tục phát động phong trào “Trồng cây xanh, hoa kiểng dọc hai bên tuyến đường và vẽ tranh trên các bức tường”. Từ đó tình trạng xả rác tùy tiện không còn nữa. Tuyến đường tại khu phố 3 trở thành tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp kiểu mẫu của thị trấn Tân Túc. Đây là một trong nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Bình Chánh thời gian qua.
Tuyến đường sạch, đẹp tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh |
Trước khi xây dựng NTM, mỗi ngày trên địa bàn huyện Bình Chánh phát sinh hơn 130 tấn chất thải sinh hoạt, trong khi đó, công tác thu gom chỉ đạt hơn 54%. Bình Chánh cũng có 50 tuyến kênh rạch và nhiều tuyến giao thông liên ấp, liên xã bị ô nhiễm. Khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã thường xuyên tổ chức lực lượng, phương tiện chuyên dụng dọn cỏ, vớt rác, khai thông dòng chảy. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động này cũng chỉ được một thời gian ngắn. Từ thực trạng này, Bình Chánh đã phát động phong trào “Xây dựng các tuyến đường, bờ kênh xanh, sạch, đẹp, an toàn, bảo vệ môi trường”. Theo đó, từng cơ sở tổ chức quy hoạch trồng hoa, cây xanh dọc hai bên tuyến đường và các bờ kênh, trong khuôn viên gia đình, tạo cảnh quan môi trường, cải thiện diện mạo nông thôn. 10 năm qua, các đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 2.000 lượt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, huy động hơn 135.000 lượt người tham gia trồng được hơn 113.400 cây xanh dọc hai bên tuyến đường, bờ kênh; xây dựng 117 tuyến đường hoa, cây xanh liên ấp, 16 công trình bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, chất lượng vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, kênh rạch được cải thiện mạnh mẽ, tỷ lệ đăng ký thu gom, chuyển giao chất thải sinh hoạt đạt trên 97%, khơi thông dòng chảy 100% tuyến kênh rạch, xóa 77 điểm “đen” ô nhiễm, trong đó có 26 điểm “đen” ô nhiễm chuyển hóa thành những vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, Bình Chánh là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều khu phố, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều cơ sở phát sinh ô nhiễm môi trường. Mới đây, ngành chức năng của huyện Bình Chánh đã rà soát, phát hiện hơn 700 cơ sở có dấu hiệu phát sinh chất thải tác động đến môi trường (tái chế phế liệu, nhuộm, giặt sấy vải, thực phẩm). Các lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 400 cơ sở, kịp thời xử lý 204 cơ sở vi phạm.
Theo đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Bình Chánh tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đa dạng hình thức tuyên truyền, làm thay đổi ý thức của người dân, biến việc gìn giữ, bảo vệ môi trường thành thói quen của mỗi người; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, duy trì hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, gắn với thực hiện nhanh công tác quy hoạch, triển khai đề án chuyển đổi thu gom rác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ môi trường, thiết thực nâng cao chất lượng xây dựng NTM, cải thiện đời sống nhân dân.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN