• :
  • :

Chạy nước rút để khởi công dự án Vành đai 3 TPHCM

Báo cáo đánh giá tác động môi trường chậm được phê duyệt và công tác giải phóng mặt bằng khó đáp ứng tiến độ nên dự án Vành đai 3 TPHCM khó được khởi công theo kế hoạch chung là tháng 6/2023.

Lùi ngày khởi công?

Ngày 30/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, do báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Vành đai 3 TPHCM chậm được phê duyệt, khiến tiến độ thủ tục của toàn dự án bị chậm dây chuyền. Dự kiến, sau khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án được thẩm định, chủ đầu tư sẽ phê duyệt dự toán và tổ chức đấu thầu chọn đơn vị thi công.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, hiện mới kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất nên khó đáp ứng tiến độ. Đầu tháng 4/2023, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai mới bàn giao tim, mốc, hồ sơ ranh giới cho địa phương nên tiến độ thu hồi đất cũng bị chậm theo.

Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang cố gắng hoàn thiện thủ tục, đấu thầu và giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6/2023. Trong trường hợp không thể khởi công theo kế hoạch vào ngày 30/6 theo như kế hoạch, dự án sẽ được khởi công chậm nhất là 10 ngày sau đó.

Hồi cuối tháng 2, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đầu tư dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 3 TPHCM. Đây là một trong 8 dự án thành phần của toàn tuyến, kết nối dự án 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch đã khởi công hồi tháng 9/2022.

Vành đai 3 đi qua Đồng Nai dài hơn 11 km, điểm đầu nằm ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch nối qua TP.Thủ Đức, TPHCM. Dự án sẽ xây dựng 5 km cao tốc khớp nối dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tại nút giao tỉnh lộ 25B, quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h.

Trong trường hợp không thể khởi công theo kế hoạch vào ngày 30/6, Đồng Nai sẽ khởi công dự án Vành đai 3 chậm nhất 10 ngày sau đó. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Đối với phần đường song hành, dự án sẽ được làm dọc hai bên cao tốc với chiều dài hơn 11 km, bao gồm hai cầu vượt sông Rạch Chạy trên đường song hành. Khi hoàn thiện, đường rộng 74,5 m, vận tốc 60 km/h. Dự án cũng xây dựng nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và nút giao với tỉnh lộ 25C. Toàn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Khẩn trương chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng

Đường Vành đai 3 TPHCM được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài hơn 76 km, đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, tổng vốn đầu tư hơn 74.500 tỷ đồng.

Tại TPHCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho các địa phương với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi giải tỏa của dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Hiện nay, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân. Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy dự án thành phần 2 về bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM, tính đến hết ngày 14/5, các địa phương đã chi trả hơn 1.749 tỷ đồng cho 401 trường hợp với tổng diện tích bàn giao mặt bằng hơn 189 ha. Dự kiến, các địa phương sẽ bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.

Ông Lương Minh Phúc - Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho hay, đến thời điểm hiện tại, các loại vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường Vành đai 3 TPHCM gồm đất đắp nền và cát, đá xây dựng cơ bản đã đáp ứng đủ.

Riêng về nguồn cát đắp nền (khoảng 7,2 triệu m3) hiện nay đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3, đạt khoảng 80,5%. Theo ông Phúc, với số lượng cát đắp nền hiện nay đã sẵn sàng phục vụ cho công tác khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025.

Từ nay đến cuối tháng 6/2023, chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình.

Mạnh Thắng - Duy Quang

Tiền Phong

Lượt xem: 7
Tác giả: Mạnh Thắng - Duy Quang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...