• :
  • :

Canh bạc đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ngày 30-6, cử tri Pháp tham gia bỏ phiếu vòng 1 của cuộc bầu cử quốc hội sớm tại xứ lục lăng. Lẽ ra cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo của Pháp sẽ được tổ chức vào năm 2027, song hôm 9-6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bất ngờ tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, "trao cho người dân cơ hội quyết định tương lai lập pháp bằng lá phiếu".

Động thái này được đưa ra sau khi kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), theo ông chủ Điện Élysée, không có lợi "đối với các đảng bảo vệ châu Âu". Cuộc bầu cử EP đã cho thấy sự trỗi dậy của phe cực hữu tại nhiều quốc gia, trong đó Pháp được xem là nơi chịu tác động lớn nhất khi liên minh "Chung sức" (Ensemble) theo đường lối trung dung của Tổng thống Macron thất bại trước Đảng Mặt trận quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu.

Cử tri Pháp tham gia bỏ phiếu vòng 1 của cuộc bầu cử quốc hội sớm. Ảnh: AFP 

CNN cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, một Tổng thống Pháp giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. AFP dẫn lời Tổng thống Macron khẳng định việc giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm là giải pháp "nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất nhưng có trách nhiệm nhất" bởi nếu không thì "mọi thứ sẽ hỗn loạn".

Tờ Politico nhấn mạnh, xét tới vai trò của Pháp là một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là một quốc gia hạt nhân, cùng vị thế hàng đầu của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc bầu cử quốc hội sớm tại Pháp là "cuộc bầu cử quan trọng nhất của châu Âu trong nhiều thập niên qua".

Theo BBC, cuộc bầu cử quốc hội sớm tại Pháp chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa đảng cực hữu RN, liên minh cánh tả "Mặt trận Bình dân mới" (NFP) và liên minh "Chung sức" của Tổng thống Macron. Tân Hoa xã đưa tin, 49,5 triệu cử tri Pháp sẽ bầu chọn 577 thành viên của quốc hội từ hơn 4.000 ứng cử viên của các phe phái trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức theo hai vòng. Các ứng viên giành được hơn 12,5% số phiếu bầu trong vòng 1 sẽ đi tiếp vào vòng 2 diễn ra vào ngày 7-7 tới.

CNN cho biết, cuộc bầu cử sẽ quyết định phe nào chiếm thế đa số tại quốc hội và được quyền lựa chọn tân Thủ tướng Pháp. Phe kiểm soát quốc hội cũng có quyền quyết định đối với chính sách đối nội của Pháp trong thời gian tới. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy phe cực hữu dẫn trước liên minh cánh tả và liên minh trung dung. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có thể thay đổi bởi nhiều cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng/liên minh nào, phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và nhiều cử tri có thể thay đổi ý định vào phút chót.

Quyết định giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm được truyền thông phương Tây nhận định là một canh bạc đối với Tổng thống Macron. Giới phân tích cho rằng, mặc dù ông Macron không có tên trong danh sách ứng cử viên, song cuộc bầu cử sớm chính là một cuộc trưng cầu ý dân đối với vị tổng thống từng được coi là có khả năng vượt qua những chia rẽ chính trị nhưng lại có tỷ lệ ủng hộ của cử tri sụt giảm sau một số cuộc khủng hoảng chính trị.

Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ "thực hiện chức trách cho đến tháng 5-2027", thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của ông, bất kể phe nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp sớm. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nhận định "có thể sẽ có những căng thẳng hết sức dữ dội", đồng thời cho biết nhà chức trách đã chuẩn bị cho tình huống "dễ bùng phát" trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu diễn ra chưa đầy một tháng trước Thế vận hội Paris 2024. 

HOÀNG VŨ

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết